Thứ Hai | 05/11/2012 08:08

Thu mua cà phê không hóa đơn chứng từ nhằm trốn thuế

Nếu không kiểm soát tình trạng này, Nhà nước có thể thất thoát hàng trăm tỷ đồng thuế mỗi năm, nghiêm trọng hơn là làm rối loạn thị trường trong nước.
Trong Hội nghị Tổng kết niên vụ cà phê 2011-2012 do Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) tổ chức tại TP.HCM ba ngày trước, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đã bày tỏ bức xúc, lo ngại trước tình trạng nhiều doanh nghiệp TNHH trong nước thu mua cà phê giá cao hơn giá thị trường 700-1.000 đồng/kg rồi bán lại với giá thấp hơn hoặc bằng giá thị trường nhưng vẫn thu được lợi nhuận.

Nguyên nhân của nghịch lý trên là các doanh nghiệp này mua cà phê từ nông dân, cơ sở, đại lý thu mua cà phê mà không có hóa đơn, chứng từ. Nếu tính giá thị trường hiện giờ là 40.000 đồng/kg cà phê, mức thuế giá trị gia tăng (VAT) doanh nghiệp thu mua phải chịu là 5%, tương ứng số tiền 2.000 đồng/kg, tính ra giá doanh nghiệp mua gồm giá thành cộng với tiền thuế phải chịu là 42.000 đồng/kg.

Nhưng bằng hình thức mua trốn thuế nên dù những doanh nghiệp này có mua giá cao hơn giá thị trường 1.000 đồng là 41.000 đồng/kg rồi sau đó bán lại cho doanh nghiệp xuất khẩu giá 40.000 đồng/kg vẫn lãi 1.000 đồng/kg vì doanh nghiệp xuất khẩu phải trả thêm 5% thuế VAT/kg (2.000 đồng/kg) cho DN TNHH” - ông Lê Đức Thống, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Cà phê 2/9 (Đắk Lắk), cho hay.

Hơn nữa, cà phê nhân xuất khẩu được hoàn thuế VAT nên mặc dù phải trả 5% VAT cho bên doanh nghiệp “mua cao, bán thấp”, sau khi xuất hàng đi, doanh nghiệp xuất khẩu được Chính phủ hoàn trả số thuế này. Kết quả là Nhà nước thất thu.

Ông Phạm Ngọc Bằng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Cà phê Đăk Man, tiết lộ có doanh nghiệp còn thành lập ra nhiều doanh nghiệp con đóng ở các thành phố lớn để mua lại cà phê từ các cơ sở, đại lý trong vùng nguyên liệu với cùng hình thức trên. “Những doanh nghiệp con đó vừa được hưởng gia hạn nộp thuế VAT của Bộ Tài chính, vừa mua được nhiều cà phê bán cho doanh nghiệp xuất khẩu lấy lợi nhuận. Đến thời hạn nộp thuế, doanh nghiệp mẹ lấy lý do khó khăn phải nợ thuế nên tuyên bố phá sản” - ông Bằng cho biết.

Nếu không kiểm soát ngay tình trạng này, có thể hàng trăm tỷ đồng tiền thuế tiếp tục thất thoát mỗi năm. Hậu quả lớn hơn là làm rối loạn thị trường cà phê trong nước, ông Lê Đức Thống, Công ty Cà phê 2/9, lo ngại.

Trước tình hình mà các doanh nghiệp phản ánh, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch VICOFA, cho biết sẽ thông tin lên cơ quan quản lý thị trường ở các vùng nguyên liệu kiểm soát chặt việc doanh nghiệp thu mua cà phê, nhất là doanh nghiệp có dấu hiệu “mua cao, bán thấp” không hóa đơn, chứng từ. VICOFA cũng đồng thời liên kết với cơ quan thuế, nếu phát hiện doanh nghiệp vi phạm sẽ xử phạt thật nặng, có thể rút giấy phép kinh doanh.

Nguồn Pháp luật TPHCM


Sự kiện