Thu hút vốn từ IFC: Liệu có phải là rẻ?
Nếu kể tên các định chế tài chính quốc tế hoạt động tích cực tại thị trường Việt Nam, không thể không nói đến Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Từ đầu năm đến nay, IFC đã giải ngân hơn 128,33 triệu USD trong khi cả năm ngoái chỉ là 21,67 triệu USD, theo thông tin trên website. Như vậy, sau gần 5 năm, IFC bắt đầu hiện diện mạnh mẽ hơn tại Việt Nam.
Soi danh mục IFC
Thương vụ mới nhất là việc IFC chi 18,3 triệu USD để sở hữu 5% cổ phần ở TPBank. Trước đó, IFC cũng đã rót vốn mua cổ phần của các ngân hàng Việt như ABBank, VietinBank. Trong khi đó, một ngân hàng khác là VPBank lại chọn con đường vay vốn từ IFC. Cụ thể, IFC cho biết sẽ cấp cho VPBank khoản vay hợp vốn 50 triệu USD, trong đó phân nửa từ IFC và phần còn lại từ một ngân hàng ngoại đối tác.
Vay vốn từ IFC là cách được nhiều ngân hàng Việt Nam ưa chuộng hơn. Không ít ngân hàng đã từng gõ cửa IFC như OCB, Techcombank, VIB trong 10 năm trở lại đây, hay Sacombank, ACB vào đầu thập niên 2000.
Ngoài ngân hàng, IFC còn rót vốn vào các công ty quản lý quỹ. Đầu năm nay, IFC tài trợ 50 triệu USD cho “khách hàng thân thiết” Dragon Capital. Ngoài Dragon Capital, còn có các công ty quản lý quỹ lớn khác, như Mekong Capital, hay những công ty chứng khoán chuyên đầu tư hơn là môi giới như Chứng khoán Thiên Việt.
Danh mục đầu tư của IFC tại Việt Nam còn trải khắp các lĩnh vực quan trọng khác. Ví dụ như lĩnh vực nông nghiệp với khoản vay 15 triệu USD cho Anova vào cuối năm ngoái, hay góp 5% vốn cổ phần vào Công ty Xuyên Thái Bình Dương (PAN), tương ứng 6,56 triệu USD. Trong lĩnh vực năng lượng, dự án mới nhất trong năm nay là góp 10 triệu USD vào Công ty Điện Gia Lai để thực hiện các dự án năng lượng tái tạo. Trong lĩnh vực hạ tầng, có dự án Cảng Cái Mép (2007), hay Cái Lân (2010).
Giống như các tổ chức nước ngoài kiệm lời khác, IFC ít phát ngôn trực tiếp mà chỉ công bố những khoản đầu tư khi ký kết. Tại hội thảo “Step Into Future” diễn ra ở TP.HCM ngày 13.9 vừa qua, ông Kyle Francis Kelhofer, Giám đốc IFC phụ trách Việt Nam, Lào, Campuchia, cho rằng trong thời gian tới, dòng vốn ngoại sẽ đổ về Việt Nam nhiều hơn. Chắc hẳn trong số đó không thể thiếu IFC, vốn là một trong những cánh tay của World Bank, hoạt động với mục tiêu trợ vốn cho các nước đang phát triển.
Việt Nam được gì?
Có thể thấy sân chơi chủ đạo của IFC là các định chế tài chính (cả quốc tế lẫn nội địa) ở Việt Nam. Nhờ các trung gian tài chính đó, vốn được luân chuyển đến những doanh nghiệp tiềm năng, bởi bản chất ngân hàng lẫn quỹ đầu tư là tối đa hóa các khoản đầu tư sinh lời bằng cách tìm đến những công ty tốt nhất trong ngành.
IFC thường đầu tư mạnh vào những ngân hàng công bố sứ mệnh của mình là tập trung vào doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Tại TPBank, quy mô tín dụng bán lẻ và SME hiện đang chiếm khoảng 85% danh mục. ABBank và VPBank thì thành lập các bộ phận riêng đặc thù phục vụ cho phân khúc SME. Khoản vay hợp vốn 50 triệu USD từ IFC dành cho VPBank cũng nhằm giúp ngân hàng này mở rộng vốn vay cho các doanh nghiệp SME. Dự kiến ngoài khoản vay 50 triệu USD, VPbank sẽ tiếp tục vay thêm 75 triệu USD nữa. Ngoài vay vốn và góp vốn cổ phần, một hướng đi khác được các ngân hàng lựa chọn làm việc với ÌFC là tham gia vào chuỗi tài trợ thương mại toàn cầu.
IFC cho biết sẽ cung cấp khoản vay tổng cộng 125 triệu USD cho VPBank. Ảnh: VPBank |
Đối với các ngân hàng, những khoản đầu tư của IFC mang nhiều ý nghĩa, bên cạnh mở rộng quy mô cho vay, còn góp phần cải thiện những chỉ số an toàn trong hoạt động ngân hàng. Với ngân hàng đang tái cấu trúc như TPBank, việc góp vốn cổ phần giúp gia tăng khoản mục vốn cấp 1, trong khi vay từ IFC có thể giúp VPBank gia tăng khoản mục vốn cấp 2.
Về khía cạnh vĩ mô, IFC mang lại dòng tiền mặt bằng USD về cho các ngân hàng, giúp giảm bớt áp lực đồng USD tại Việt Nam. Tuy nhiên, áp lực này không mất đi mà được chuyển đến tương lai và dần cụ thể hóa bằng sức ép lên tiền đồng. Theo quan sát của NCĐT, sau thông tin thương vụ triệu đô tài trợ cho các ngân hàng khoảng 2 tháng trước, tỉ giá trung tâm đã có dấu hiệu nhích lên, đi cùng với thông tin Ngân hàng Nhà nước tăng cường mua USD để dự trữ (8 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước mua vào 10 tỉ USD).
Trong bối cảnh thị trường hiện nay, các ngân hàng vẫn cạnh tranh tích cực trên thị trường 1, khi lãi suất huy động gần đây vẫn còn được điều chỉnh tăng thêm. Ngược lại, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất giao dịch vốn giữa các ngân hàng với nhau lại giảm. Theo thông tin từ cuộc gặp gỡ giữa Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại hồi đầu tháng 9, nguyên nhân khiến lãi suất chưa giảm được là vì nhu cầu vốn vay từ hệ thống ngân hàng, kể cả vốn vay trung và dài hạn, vẫn cao, dư thừa thanh khoản chỉ là tạm thời.
Như NCĐT đã phản ánh trong bài viết gần đây, các ngân hàng hiện trong cuộc chạy đua gọi vốn kỳ hạn dài, tập trung nhiều vào trái phiếu. Câu chuyện đi vay vốn nước ngoài dường như cũng vậy, chỉ chưa biết là dòng vốn nước ngoài liệu có rẻ hơn nguồn tiền trong nước hay không.
Thông thường, các khoản vay từ tổ chức thuộc World Bank được tính bằng đồng USD dựa trên lãi suất Libor cộng thêm một khoản chênh lệch cố định. Chẳng hạn như năm 2011, nếu IFC cho VietinBank vay khi đó, lãi suất dự kiến là lãi suất Libor 3 tháng cộng thêm biên độ 1,5 điểm phần trăm. Hiện lãi suất Libor bằng đồng USD kỳ hạn 3 tháng hiện quanh mức 0,852%. Song chắc hẳn biên độ cũng không còn thấp nữa. Trong khi đó, lãi suất mà Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế hồi cuối năm 2014 ở mức 4,8%. Cũng cần nói thêm, ở thời điểm hiện tại Việt Nam đã tiến lên trở thành nước thu nhập trung bình. Vì vậy, lãi suất vay từ các tổ chức quốc tế như World Bank sẽ không còn ưu đãi như trước đây.
Gần đây, Ngân hàng ACB phát hành thành công 2.000 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm với lãi suất bằng lãi suất tham chiếu (bình quân lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của Vietcombank và Agribank) cộng với biên độ 2%. Hiện tại lãi suất trái phiếu doanh nghiệp năm đầu tiên sẽ là 8,5%. Có thể thấy đây là mức giá vốn mà các ngân hàng đang sẵn lòng trả. Với kỳ vọng lạm phát trong năm nay là 2,5% (tính đến nay là 1,8%) thì mức giá vốn khi vay nước ngoài có thể lên đến 5,5-6,5% là điều có thể xảy ra.
Huy động được nguồn lực nước ngoài là rất tốt, nhưng góc khuất của nó là nền kinh tế nhiều khả năng phải chịu áp lực, đặc biệt khi các đồng tiền thay đổi giá trị (tiền đồng mất giá do lạm phát, còn đồng USD đang chịu áp lực tăng khi FED điều chỉnh tăng lãi suất).
Việt Dũng