Ảnh: Vietnamfinance.vn
Thu hút trái phiếu doanh nghiệp: Cần các tổ chức xếp hạng tín nhiệm
Thị trường trái phiếu ngày càng đắt khách
Tháng 9/2018, CTCP Tập đoàn PAN (mã CK: PAN, The PAN Group) phát hành thành công 1.135 tỷ đồng trái phiếu với mệnh giá 1 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, lãi suất cố định 6,8%/năm, thấp hơn đáng kể lãi suất cho vay trên thị trường.
Cuối tháng 1/2019, ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đã phát hành thành công đợt trái phiếu đầu tiên của Công ty CP Cơ Điện Lạnh (REE) trị giá 2.318 tỉ đồng (tương đương 100 triệu USD) với lãi suất cố định 7%/năm cho kỳ hạn 10 năm.
Các doanh nghiệp bất động sản cũng không nằm ngoài cuộc đua. Gần đây nhất, Hội đồng Quản tri CTCP Phát Đạt đã thông qua việc phát hành 150 tỉ đồng trái phiếu không chuyển đổi nhằm huy động vốn cho dự án với lãi suất 14%/năm cho kỳ hạn 1 năm kể từ ngày phát hành.
Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền cũng phát hành 450 tỉ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không tài sản bảo đảm, có kỳ hạn 2 năm với lãi suất 12%/năm.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Công ty Chứng khoán KIS cho biết, các doanh nghiệp ngày càng ưa chuộng phát hành trái phiếu để gọi vốn nhiều hơn so với việc đi vay từ ngân hàng nhờ vào những ưu điểm sau: điều kiện phát hành trái phiếu tương đối dễ dàng so với yêu cầu khắt khe từ ngân hàng; huy động vốn qua thị trường chứng khoán đa phần là nguồn vốn trung dài hạn, mà đây là nguồn vốn mà các doanh nghiệp cần nhất trong bối cảnh ngân hàng bị siết dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Cũng theo ông Phương, điều cốt lõi trong việc huy động vốn qua phát hành trái phiếu là các doanh nghiệp không chịu áp lực mạnh mẽ từ việc trả lãi vay như vay ngân hàng. Bởi trái phiếu là công cụ nợ với thời gian và lãi suất cố định. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Cấu trúc trái phiếu doanh nghiêp theo ngành nghề. Ảnh: SSI Research |
Còn theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, đây là 1 tín hiệu đáng mừng cho thị trường vốn Việt Nam, bởi thông qua việc phát hành trái phiếu, các doanh nghiệp sẽ đa dạng hóa được các nguồn lực tài chính của doanh nghiệp mà không bị phụ thuộc vào ngân hàng.
Trong lộ trình phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, mục tiêu dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 7% GDP vào năm 2020 và khoảng 20% GDP vào năm 2030. Tuy nhiên trong năm 2018 trái phiếu doanh nghiệp đã vượt mục tiêu của năm 2020. Điều này cho thấy thị trường trái phiếu dang dần khẳng định vai trò trở trành kênh dẫn vốn hiệu quả cho doanh nghiệp.
Thiếu các tổ chức xếp hạng tín nhiệm.
Mặc dù được đánh giá là thị trường cung ứng vốn tiềm năng và hiệu quả. Tuy nhiên điều kiện phát hành trái phiếu cũng như hoạt động giao dịch vẫn còn nhiều khó khăn chứ không hề đơn giản.
►Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Đôi bên cùng có lợi
►Sôi động mỏ vàng trái phiếu doanh nghiệp
►Trái phiếu doanh nghiệp khởi sắc
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Bùi Quang Tín nhận định hiện nay thị trường trái phiếu đang phát triển với tốc độ cao, Nhu cầu phát hành trái phiếu để gọi vốn của các doanh nghiệp ngày càng nhiều. Tuy nhiên, thị trường lại thiếu đi định chế tài chính trung gian làm cầu nối giữa người bán và người mua mà cụ thể ở đây là các tổ chức, trung tâm xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp.
Theo chia sẻ của ông Phương, khi phát hành trái phiếu, doanh nghiệp thường cung cấp tài liệu thông tin cũng như báo cáo tài chính. Tuy nhiên, những tài liệu này thường được viết rất dài khiến các nhà đầu tư thường sẽ không nắm rõ hoặc không hiểu về doanh nghiệp đó. Đặc biệt thông tin về dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp hết sức hạn chế. Vì vậy, chúng ta cần có thêm những tổ chức uy tín, có khả năng thẩm định về giá trị doanh nghiệp cũng như hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó, có thang điểm xếp hạng theo mức độ tín nhiệm, mức độ an toàn, khả năng phát triển của doanh nghiệp. Điều này sẽ là thước đo để giúp nhà đầu tư dễ dàng lựa chọn và quyết định đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.