Thu hút FDI: Ngành nào cần ưu tiên?
Việt Nam đã có 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Vũ Đại Thắng, nói rằng: “Dòng vốn FDI đạt mức cao kỷ lục song hiệu ứng lan tỏa và các giá trị gia tăng mà dòng vốn này mang lại còn khá hạn chế”.
Chính phủ đang tìm kiếm “một cách tiếp cận mới” ở cấp quốc gia về FDI, bởi thực tế cho thấy, FDI đổ vào Việt Nam chủ yếu bắt nguồn từ các yếu tố như chi phí lao động thấp và cơ chế ưu đãi lớn.
Giá trị thấp
Báo cáo Các Khuyến nghị về Chiến lược FDI Thế hệ Mới của Việt Nam được IFC, thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), công bố hôm 9.7, cho thấy một quá trình sàng lọc đã diễn ra để xác định các ngành Việt Nam cần chủ động xúc tiến đầu tư FDI.
“Việc xác định những lĩnh vực FDI mang lại giá trị gia tăng cao nhất, nên bắt đầu bằng định nghĩa thế nào là FDI có giá trị thấp”, ông Wim Douw, Chuyên gia trưởng lĩnh vực tư nhân của IFC, khuyến cáo.
Ông Wim Douw cho FDI có giá trị thấp là FDI có giá trị duy nhất được giữ lại trong nước chỉ là mức lương và dịch vụ hạ tầng, những yếu tố có chi phí thấp. Theo ông, Việt Nam nhập khẩu toàn bộ vật tư, thiết kế tài chính và xuất khẩu thành phẩm, thậm chí các hoạt động maketing cũng được thực hiện ngoài Việt Nam.
5 ngành ưu tiên
Một cách tiếp cận mới ở cấp quốc gia về FDI cho Việt Nam, Chuyên gia trưởng của IFC nói rằng, câu hỏi về tính khả thi thời điểm này không còn nhiều phù hợp, nó không có tác dụng phân biệt giữa các ngành, bởi Việt Nam đã chứng tỏ là điểm đến hấp dẫn cho FDI.
Ông Wim Douw, người đã có 12 tháng khảo sát, đánh giá tình hình FDI của Việt Nam, cho rằng: “Câu hỏi thực chất và quan trọng là những lĩnh vực FDI nào mang lại giá trị gia tăng cao nhất cho Việt Nam”.
IFC đã nhìn các ngành thu hút FDI theo 2 lăng kính: "sự cần thiết” và “tính khả thi” để đưa ra nhận định được cho là phù hợp nhất với bối cảnh nền kinh tế Việt Nam lúc này.
“Điểm mấu chốt là phải tập trung vào những ngành Việt Nam có thế mạnh, nhà đầu tư có lựa chọn về địa điểm và những ngành mà doanh nghiệp FDI có thể mang lại mà doanh nghiệp trong nước chưa có”.
- Việt Nam sau 30 năm đã thu hút được 25.949 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 326,3 tỷ USD - FDI, nguồn vốn bổ sung quan trọng, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư cả nước, đóng góp khoảng 20% GDP |
Theo đánh giá sơ bộ của IFC, 5 ngành được chọn ưu tiên là công nghệ cao, chế tạo chế biến, công nghiệp phụ trợ, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Tiếp đó, chia nhỏ các ngành này thành 30 tiểu ngành để tiến hành đánh giá và cho điểm theo từng tiêu chí.
Ví dụ, các ngành sơ cấp như nông nghiệp, khoáng sản, chế biến phải trả lời về “sự cần thiết” nguồn vốn FDI và “tính khả khi” nếu có vốn FDI cũng như mức độ gia tăng giá trị tương đối từ mỗi tiểu ngành này.
Một danh sách ngắn được chốt lại, bao gồm 5 ngành: Ngành chế biến, chế tạo kim loại cao cấp, khoáng chất, hóa chất, nhựa, linh kiện điện tử, công nghệ cao. Đây là những ngành được kỳ vọng mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho Việt Nam và nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước.
“Ở đây, mối quan tâm không phải là cơ chế chính sách mà là năng lực cạnh tranh”, ông Wim Douw nói. Theo ông, việc Việt Nam tập trung vào các ngành kim loại cao cấp hay khoáng chất, có nghĩa chi phí bỏ ra về thời gian cũng như yêu cầu sẽ cao hơn.
Việt Nam cũng cần chú trọng đến các tiểu phân ngành thực sự tạo ra giá trị gia tăng cao và nâng cao năng lực cạnh tranh, như ngành dịch vụ logistics, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ duy tu bảo dưỡng…
Ông Wim Douw cho rằng: “Việt Nam cần có những ưu tiên ngắn hạn để có thể thắng được trong cạnh tranh”. Chế biến chế tạo, sản xuất thiết bị gốc, thiết bị vận tải ô tô, là những lĩnh vực Việt Nam có thể tìm được “ngách riêng” khi cạnh tranh với những nước mạnh như Thái Lan, Indonesia.
Việt Nam cũng cần dành ưu tiên ngắn hạn để thu hút FDI lĩnh vực công nghệ môi trường, như thiết bị điện gió, điện mặt trời và nguồn nước. Đây là những lĩnh vực có “cách cửa cơ hội hẹp hơn nhưng Việt Nam có thể giành phần thắng”.
Về trung hạn, Chuyên gia trưởng của IFC tin rằng, thu hút FDI sẽ đi đôi với mở cửa thị trường và phát triển kỹ năng, những ngành như dược phẩm và thiết bị y tế cũng như dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ tri thức.
Ông Wim Douw cũng cho rằng: “Cửa sổ cơ hội sẽ thu hẹp hơn cho Việt Nam trong một số ngành nhất định”.
“Không ưu tiên đầu tư nhưng không có nghĩa bỏ qua các ngành thu hút FDI truyền thống”, ông Wim Douw nói. Việt Nam cần tiếp tục những dịch vụ tốt, tin cậy cho các dự án đã nhà đầu tư về lắp ráp điện tử, dệt may, da giày…
Bởi vì, ngành dệt may và da giày có vị trí khá thấp nhưng mức độ chủ động xúc tiến thu hút đầu tư FDI đang cao hơn so với những ngành nông nghiệp cơ bản, du lịch bình dân hay bao bì.
“Việt Nam không thiếu chính sách, nhưng vấn đề của Việt Nam là thực hiện các chính sách này”, chuyên gia trưởng của IFC gọi đây là “một phát hiện”.
Ông Wim Douw nói rằng: “IFC đưa ra các đánh giá trên, một số điểm là không mới, nhưng rất quan trọng và nó cần được làm một cách đúng hơn trong chiến lược thu hút FDI thế hệ mới”.