Thứ Hai | 26/05/2014 07:29

Thu hút FDI: Bài học từ Thái Lan

Các ưu đãi đầu tư của Việt Nam đôi khi không phục vụ quy hoạch phát triển vùng, ngành.

Trong quý I năm nay, Việt Nam chỉ thu hút được 3,3 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài (đăng ký), giảm 50 % so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tại các quốc gia Đông Nam Á khác, đặc biệt là Indonesia và Myanmar, lượng vốn đầu tư nước ngoài lại tăng.

Thái Lan cũng có một thời gian chứng kiến dòng vốn nước ngoài suy giảm do bất ổn chính trị. Thế nhưng, họ đã ngăn được đà suy giảm nhờ biết cách tập trung vào những lĩnh vực quan trọng, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính. Vì vậy, mặc dù chính trị vẫn còn bất ổn, nhưng Thái Lan vẫn được xem là một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Vậy Việt Nam có thể học gì từ cách làm của Thái Lan?

Kinh nghiệm của người Thái

Mô hình phát triển quốc gia của Thái Lan được xác định bằng 4 lĩnh vực nền tảng từ thấp lên cao: (1) phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, sản phẩm có giá trị gia tăng cao; (2) phát triển công nghiệp nhẹ, gia công cho nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài; (3) đầu tư công nghiệp nặng như xe hơi, lọc hóa dầu và gia tăng hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tại các xưởng sản xuất để tạo ra những sản phẩm tầm cỡ quốc tế; (4) phát triển kinh tế tri thức và kinh tế dịch vụ.

Mô hình phát triển này tuy tham vọng nhưng lại có trình tự ưu tiên về thời gian và rất thực tế. Quan trọng là nước này đã đề ra được các phương pháp cụ thể để hiện thực hóa tham vọng nói trên. Trước hết là tìm hiểu mình là ai, có thế mạnh gì để cạnh tranh với các nước khác. Và thay vì đặt nhiều mục tiêu cùng một lúc, Thái Lan đặt mục tiêu xây dựng một số cơ sở mũi nhọn và trung tâm để từ đó thu hút các cơ sở đầu tư ngoại vi và phụ trợ. Để thực hiện các mục tiêu trên, Thái Lan đã đề ra chính sách ưu đãi đầu tư. Trong đó, quan trọng nhất là chính sách thuế.

Thái Lan có cơ quan chuyên trách về ưu đãi đầu tư là Cục Đầu tư Thái Lan (BOI) chuyên xem xét ưu đãi cho từng dự án và phân loại dự án đầu tư theo tác động của dự án đó đến nền kinh tế cả nước, chứ không phải chỉ một vùng miền nào đó.

Việc ưu đãi đầu tư được phân thành 2 nhóm: nhóm A (các lĩnh vực được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp) và nhóm B (các lĩnh vực không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng có thể được hưởng các ưu đãi khác).

Nhóm A bao gồm các danh mục A1 (các dự án có tầm quan trọng lớn đối với quốc gia, trung tâm R&D, thúc đẩy khả năng cạnh tranh quốc gia), A2 (các dự án sử dụng công nghệ cao, vốn lớn, bảo vệ môi trường, song phải là các dự án chưa từng được đầu tư ở Thái Lan), A3 (các dự án giống A2, nhưng đã từng đầu tư tại Thái Lan và cần thiết phải kêu gọi thêm vốn đầu tư) và A4 (các dự án không áp dụng công nghệ cao, nhưng có tầm quan trọng trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của Thái Lan trong chuỗi cung ứng toàn cầu). Các dự án A1 và A2 sẽ được miễn thuế 8 năm, dự án A3 được miễn thuế 5 năm và A4 được miễn thuế 3 năm. Các dự án này còn được miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị hay nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất sản phẩm xuất khẩu.

Nhóm B bao gồm các lĩnh vực đầu tư được địa phương ưu đãi, nhưng chỉ được hưởng các ưu đãi ngoài thuế như quyền được sở hữu đất hay được hỗ trợ cấp visa hay giấy phép lao động cho lao động nước ngoài (mà không bị hạn chế như các dự án thông thường). Trong một số trường hợp, những dự án quan trọng còn có thể được miễn thuế xuất nhập khẩu.

Ngoài ưu đãi thuế cho ngành công nghiệp, Thái Lan còn giảm thuế cho những dự án ở vùng sâu, vùng xa và những dự án trong khu công nghiệp. Theo đó, Bangkok và 6 tỉnh phụ cận được gọi là Vùng 1, tiếp đến là các tỉnh Vùng 2 và 3 (càng xa Bangkok thì mức độ ưu đãi càng lớn). Các dự án nhóm A nếu ở Vùng 3 hay trong khu công nghiệp sẽ được giảm thuế 50% thêm 5 năm sau khi hết thời hạn miễn thuế. Các dự án tại Vùng 2 có thể được miễn thuế từ 2-7 năm.

Để tránh việc nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng Thái Lan như thị trường nhân công giá rẻ, hoặc thành lập doanh nghiệp để hưởng ưu đãi, rồi đóng cửa doanh nghiệp khi hết ưu đãi, hoặc dùng biện pháp trả lãi để tránh đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, Chính phủ Thái Lan quy định để được hưởng ưu đãi, doanh nghiệp phải tạo ra ít nhất 20% giá trị bán hàng tại Thái Lan, tỉ lệ nợ trên vốn không được thấp hơn 3:1 và phải sử dụng máy móc, thiết bị mới.

Theo báo cáo của BOI, có được ưu đãi linh hoạt và thực tế như hiện nay là nhờ sự chuyển biến của chính sách ưu đãi đầu tư của Thái Lan và đội ngũ công chức kỹ trị được đào tạo bài bản, có nghiệp vụ cao. Chính sách của BOI là thay vì thu hút đầu tư rộng rãi, Thái Lan sẽ thu hút đầu tư theo chiều sâu và có ưu tiên tùy theo tầm quan trọng của dự án. Và thay vì chỉ thu hút đầu tư theo lĩnh vực, sẽ có cả các hình thức thưởng thêm cho dự án có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế.

Chẳng hạn, dự án đầu tư ít nhất 1% doanh thu cho R&D sẽ được miễn thuế thêm 1 năm. Dự án có đóng góp ít nhất 2% doanh thu cho đào tạo nghề hay viện nghiên cứu sẽ được miễn thuế thêm 2 năm. Dự án đóng góp ít nhất 3% doanh thu cho quỹ phát triển khoa học công nghệ sẽ được miễn thuế thêm 3 năm. Chính phủ Thái Lan ưu đãi như vậy là vì hiểu rõ đầu tư cho khoa học công nghệ và giáo dục sẽ làm tăng sức hấp dẫn và tăng đầu tư trong dài hạn.

Trong quá khứ, nước này đã khá hào phóng cho các dự án đầu tư lớn hay đầu tư vào vùng kinh tế khó khăn. Các ưu đãi này tỏ ra kém hiệu quả, do nhà đầu tư chỉ muốn đầu tư vào các vùng miền có giao thông thuận tiện, trình độ dân trí đủ để cung cấp lực lượng lao động có tay nghề chứ không phải chỉ đầu tư để hưởng ưu đãi thuế. Hiểu được điều này, Chính phủ Thái Lan có ý định giảm chính sách ưu đãi vùng miền trong thời gian tới, thay vào đó sẽ tập trung ưu đãi những dự án lớn, trọng điểm để tạo sức lan tỏa thu hút các nhà đầu tư khác.

Chính phủ nước này cũng từng bước chuyển từ ưu đãi thuế đơn thuần sang ưu đãi trọn gói, bao gồm cả thuế, lao động, thủ tục cấp phép trong thời gian nhanh nhất, cung ứng lao động và cơ sở hạ tầng cho nhà đầu tư và quan trọng nhất là đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Đáng chú ý là họ còn có ý định ưu đãi cho các dự án đầu tư ra nước ngoài nhằm chủ động hội nhập nền kinh tế toàn cầu, đồng thời nắm vị trí dẫn đầu trong các nền kinh tế thuộc Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC). Điều này thể hiện qua việc cung cấp ưu đãi đầu tư cho các công ty mẹ đóng tại Thái Lan (gọi là Regional Operating Headquarters hay ROH).

Theo đó, nếu các ROH nắm giữ ít nhất 25% vốn tại các công ty con ở nước ngoài và tiến hành các dịch vụ hỗ trợ (như quản lý, nghiên cứu thị trường, mua sắm, marketing, chuyển giao công nghệ), có trên 50% doanh thu từ các hoạt động đầu tư ra nước ngoài thì sẽ được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10% đối với lợi nhuận từ kinh doanh, tiền bản quyền, lãi và được miễn thuế đối với tiền cổ tức thu được từ nước ngoài. Ngoài ra, người nước ngoài làm việc cho ROH sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân nếu thu nhập đó phát sinh từ các hoạt động ngoài Thái Lan.

Nhờ có chính sách thuế đối với ROH, nhiều công ty đa quốc gia chuyên về sản xuất đang cân nhắc dời trụ sở vùng từ Singapore sang Bangkok. Điều đó cũng sẽ làm tăng số công ty mẹ tại Thái Lan và về lâu dài, tiền sẽ quay về nước này để tái đầu tư.

Nhìn sang Việt Nam

Giống như Thái Lan, Việt Nam cũng nỗ lực tạo ra một môi trường đầu tư ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, do không định hướng rõ mình là ai, mình muốn gì và cái gì cần làm trước, cái gì cần làm sau, lại thiếu một đầu mối giải quyết (giống như BOI của Thái Lan) nên đôi khi ưu đãi đầu tư quá ôm đồm, khiến kết quả cuối cùng nhiều khi không như kỳ vọng.

Đối với đầu tư trong nước hay đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Chính phủ quy định còn khá chung chung về ưu đãi, chưa cụ thể hóa việc Nhà nước và xã hội cũng như nhà đầu tư được gì từ các dự án đầu tư.

Chẳng hạn, thuế suất ưu đãi 10% được áp dụng chung cho nhiều loại dự án lớn, nhỏ khác nhau và mức độ tác động khác nhau, từ dự án đầu tư vào khu công nghệ cao đến địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, từ phần mềm và vật liệu composite đến cảng biển, cảng hàng không. Trong khi đó, một doanh nghiệp đầu tư lớn, đáp ứng 2-3 tiêu chí thì cũng không được thưởng thêm ưu đãi (trừ một số trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng). Điều này có thể dẫn đến một hệ quả: trong khi các ưu đãi đầu tư của Thái Lan là cụ thể, có tập trung vào các ngành công nghiệp mũi nhọn thì các ưu đãi đầu tư của Việt Nam lại khá tham vọng và đôi khi không phục vụ quy hoạch phát triển vùng, ngành.

Ngành cảng biển là một ví dụ. Mặc dù các cảng biển phía Nam đang thừa công suất và miền Trung có quá nhiều cảng biển, nhưng Chính phủ vẫn ưu đãi đầu tư cho các dự án cảng biển. Tương tự, các dự án công nghệ cao cũng được liệt kê khá dàn trải, không cho thấy Việt Nam đang ở đâu và cần phát triển lĩnh vực gì. Trong khi đó, các lĩnh vực khác thiết thực hơn như sản xuất phụ kiện dệt may, linh kiện ô tô thì lại không có chính sách ưu đãi cụ thể. Đây có thể là hệ quả của việc thiếu tầm nhìn chiến lược trong phát triển.

Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau về mô hình phát triển quốc gia, nhưng nhìn chung các dự án đầu tư vào Thái Lan là có trọng điểm và tác động hiệu quả đến nền kinh tế hơn Việt Nam. Với vai trò là quốc gia chủ lực trong khối ASEAN về công nghiệp xe hơi, lọc hóa dầu, xi măng, hóa chất, nông nghiệp kỹ thuật cao, Thái Lan đã khá thành công trong việc xây dựng thế mạnh của nền nông nghiệp và công nghiệp quốc gia, cũng như các thế mạnh về công nghệ cao tại khu vực Đông Nam Á. Đó cũng là lý do khiến nước này đạt được hầu hết các mục tiêu đề ra và đi đúng lộ trình phát triển, chuẩn bị tốt cho hội nhập AEC vào năm 2015.

Trong khi đó, Việt Nam, dù có vị trí địa chính trị tốt hơn, trình độ dân trí không thấp hơn và chính trị ổn định hơn Thái Lan, nhưng các mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài vẫn chưa thể đồng hành cùng các thế mạnh của nền kinh tế. Đã đến lúc chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cần được thực hiện một cách có phương pháp, bài bản và tuần tự như cách làm của người Thái.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư


Sự kiện