Thu gần 5.000 tỷ đồng từ thoái vốn Nhà nước trong 9 tháng
Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp vừa có báo cáo về tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước 9 tháng năm 2016.
Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, cả nước đã cổ phần hoá 48 doanh nghiệp Nhà nước và 3 đơn vị công lập.
Đây là các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Bộ Xây dựng, Tập đoàn Công nghiệp Cao su, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, Tổng công ty Lương thực Miền Nam.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp tiến hành giải thể 10 doanh nghiệp, phá sản 1 doanh nghiệp và bán 1 doanh nghiệp.
Về thoái vốn Nhà nước, các bộ ngành đã tiến hành bán cổ phần tại doanh nghiệp, đạt giá trị 4.993 tỷ đồng, trong khi giá trị sổ sách là 2.809 tỷ đồng.
Trong đó, nhiều thương hiệu “vang bóng một thời” đã bán được giá cao.
Chẳng hạn, Nhà nước đã bán 52% vốn tại Khách sạn Kim Liên với giá 1.000 tỷ đồng, trong khi giá trị phần vốn gốc chỉ là 30,9 tỷ.
20% Nước khoáng Vĩnh Hảo cũng được sang tay với giá 109 tỷ đồng, trong khi giá gốc là 16,3 tỷ.
Đáng chú ý, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) lại có giá trị thoái vốn lỗ so với sổ sách. Cụ thể, Viettel thoái vốn tại ba doanh nghiệp là Công ty Cổ phần IQLinks, Công ty TNHH Một thành viên Kinh doanh nhà Viettel, Công ty Cổ phần EVN Quốc tế với tổng giá trị thoái là 245 tỷ đồng, nhưng chỉ thu lại được khoảng 178 tỷ đồng.
Đối với các công ty nông, lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã được Thủ tướng phê duyệt phương án sắp xếp 244 doanh nghiệp, trong đó Nhà nước nắm giữ 100% vốn tại 14 công ty, giữ vốn trên 50% đối với 59 doanh nghiệp, còn lại tuỳ thực tế nắm giữ vốn dưới 50%. Có 37 doanh nghiệp sẽ được chuyển thành công ty TNHH hai thành viên, đồng thời giải thể 28 doanh nghiệp.
Về đất đai, tổng diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp quản lý là 2,37 triệu ha. Sau sắp xếp sẽ giữ lại khoảng 1,9 triệu ha, còn lại giao về các địa phương quản lý.
Nguồn VnEconomy