Thông tư nhập khẩu máy móc cũ: Không có cũng không sao?
Sáng nay (18/3), Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp hoàn thiện dự thảo lần thứ 3 thông tư quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng (Thông tư) đã diễn ra tại Hà Nội.
Các nội dung được tập trung thảo luận sáng nay là về sự cần thiết của việc ra đời Thông tư sửa đổi Thông tư 20, các tiêu chí quy định thế nào cho phù hợp, về tổ chức giám định, về quy trình giám định và các thủ tục.
Về điều kiện được nhập khẩu với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 20 quy định với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thì phải đáp ứng đồng thời 2 tiêu chí là thời gian sử dụng nhỏ hơn hoặc bằng 10 năm và chất lượng còn lại lớn hơn hoặc bằng 80%. Với doanh nghiệp khác thì được áp dụng 1 trong 2 tiêu chí hoặc thời gian sử dụng ít hơn hoặc bằng 10 năm hoặc chất lượng còn lại nhỏ hơn hoặc bằng 80%.
Đây cũng là nội dung mới so với Thông tư 20 nhưng được nhiều chuyên gia, đại biểu đánh giá là "bất khả thi". Ông Fred Burke - Trưởng nhóm Công tác Thương mại và Đầu tư VBF cho rằng, tiêu chí "chất lượng còn lại từ 80% trở lên" cho tất cả máy móc thiết bị đã qua sử dụng là không hợp lý. Máy móc, thiết bị của mỗi ngành nghề cần có sự phân nhóm và có tỷ lệ tương ứng phù hợp.
Theo ông Burke, không có cơ sở, tiêu chí rõ ràng để đưa ra con số 80%. Mỗi quốc gia và mỗi nhà sản xuất áp dụng tiêu chuẩn chất lượng khác nhau nên máy móc nhập khẩu đã qua sử dụng chất lượng còn lại ít hơn 80% không hẳn sẽ kém chất lượng hơn máy móc mới. Ngoài ra, việc quy định thời gian sử dụng không quá 10 năm là quá ngắn và không hợp lý. Máy móc, thiết bị của mỗi ngành nghề cần có sự phân nhóm và có thời gian sử dụng tương ứng phù hợp.
Theo vị đại diện VBF, chế độ đối xử khác nhau giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước. Quy định này sẽ gây khó khăn cho DNNN trong việc cân đối ngân sách kinh doanh, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và vốn nhà nước, đặc biệt trong tình hình khó khăn hiện nay.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại cho rằng trong bối cảnh dòng vốn FDI đang đổ về Việt Nam, và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Chính phủ... thì thậm chí "không có thông tư này cũng không sao cả". Ông Nguyễn Mại đề nghị nên cân nhắc có nên đưa ra Thông tư, nếu các quy định hiện hành đã đầy đủ để quản lý, đảm bảo hoạt động, bảo vệ môi trường... thì không cần phải thêm Thông tư.
Thực tế, đại diện của nhiều hiệp hội doanh nghiệp trong ngành giấy và bột giấy, in, vật liệu xây dựng... tham dự hội thảo đều đặt câu hỏi về tính khả thi của việc giám định chất lượng của máy móc, thiết bị cũ nhập về có đạt 80% hay không. Thậm chí trong một số ngành đặc thù doanh nghiệp không tìm được người có đủ chuyên môn để giám định chất lượng.
Ông Vũ Ngọc Bảo, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy đề nghị thay vì quy định 80% hay 10 năm thì xin cho phép doanh nghiệp trình 1 báo cáo khả thi lên Bộ Khoa học và Công nghệ, nếu xem xét phù hợp với các tiêu chuẩn thì cho doanh nghiệp nhập khẩu.
Ông Kawanabe Kenta, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng cho rằng một thông tư phải thỏa mãn nhiều tiêu chí như dự thảo này thì khó khả thi. Nếu xem xét nghiêm túc thì nên bỏ qua Thông tư 20 này, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam bày tỏ.
Việc xác định dây chuyền nhập khẩu có đáp ứng được 80% hay không rất khó, nhưng nếu có tiêu chí thẩm định cụ thể thì cũng có thể làm được việc này, ông Kenta nói. Năm ngoái, đã có một đoàn chuyên gia Nhật Bản về giám định sang Việt Nam để làm việc cùng cơ quan quản lý Việt Nam nhưng doanh nghiệp vẫn lo ngại liệu phương pháp thẩm định, giám định ở Nhật Bản có phủ hợp, khi mà máy móc ở Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ đa dạng.
Đại diện cho Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam, ông Lê Anh Ba - Phó Chủ tịch hội cho biết hơn 5.000 doanh nghiệp trên toàn quốc hiện nay của Hội không có suy nghĩ nhập thiết bị cũ bởi công nghệ lạc hậu, không đảm bảo hiệu quả và lãng phí. Ông Lê Anh Ba cũng cho rằng, việc nhập khẩu trang thiết bị sản xuất là do doanh nghiệp quyết định lựa chọn, vai trò của Nhà nước ở đây là quản lý và có biện pháp kiểm soát, không cho nhập khẩu thiết bị công nghệ lạc hậu, rác hay những thiết bị phi tiêu chuẩn mà trong nước sản xuất được. Chính vì vậy, ông Lê Anh Ba đồng tình với quan điểm rằng không cần thiết phải có một văn bản quy định như Thông tư này.
Ông Nguyễn Đức Thịnh, Giám đốc TT Tư vấn phát triển cơ khí, Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí chia sẻ một quan điểm khác. Theo ông Thịnh, Thông tư cần thiết với vai trò là rào cản bảo vệ cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước và mong muốn có rào cản đến mức độ nào đó để doanh nghiệp cơ khí trong nước phát triển bởi nếu các doanh nghiệp trung nước cứ nhập về dây chuyền sản xuất cũ thì ngành cơ khí trong nước không thể phát triển...
Theo ông Thịnh, cần phải tìm một giải pháp phù hợp chứ không chỉ quan tâm tới lợi ích trước mắt mà nhập khẩu thiết bị, máy móc cũ. Cần đảm bảo lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp cơ khí và các doanh nghiệp khác.
Chia sẻ về khó khăn của doanh nghiệp mình đại diện công ty Microsoft Mobile Việt Nam cho biết, việc hạn chế nhập khẩu máy móc qua sử dụng như quy định tại dự thảo Thông tư có thể làm ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài muốn chuyển giao công nghệ, chuyển các nhà máy sản xuất tại nước ngoài về Việt Nam.
Tại Microsoft Mobile Việt Nam, theo kế hoạch của tập đoàn thì nhà máy tại Việt Nam sẽ là địa điểm sản xuất chính và đang tiến hành di chuyển các nhà máy sản xuất tại Hungary và Trung Quốc về Việt Nam. Máy móc của Microsoft Mobile vì thế có thể được nhập từ nhiều nơi trên thế giới và sau đó về Việt Nam mới lắp thành dây chuyền, như thế khó xác định được liệu có đảm bảo tiêu chí chất lượng trên 80%. Nếu sử dụng các linh kiện thay thế sản xuất tại Việt Nam thì liệu chất lượng có đảm bảo và làm thế nào để biết là Việt Nam đã sản xuất được linh kiện thay thế? Chính vì vậy, đại diện Microsoft Mobile kiến nghị cần có tiêu chí cụ thể để xác định rõ ràng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp muốn chuyển giao công nghệ nước ngoài về Việt Nam.
Ngoài ra, vấn đề chi phí và thời gian để có được giấy chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn nhập khẩu hiện nay cũng được nhiều doanh nghiệp quan ngại bởi chi phí tốn kém và thời gian kéo dài, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Nội dung Thông tư này được xem là một hàng rào kỹ thuật quan trọng và vấn đề là làm sao để giải quyết được những mâu thuẫn tồn tại để không biến Việt Nam thành một bãi rác thải công nghệ lạc hậu, thúc đẩy, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, ông Đoàn Năng - Nguyên Cục trưởng Cục Pháp chế Bộ Khoa học và Công nghệ lưu ý.
Bà Trần Tuyết Nhung, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, những ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được báo cáo trực tiếp lên lãnh đạo bộ để xem xét, sửa đổi. Bà Trần Tuyết Nhung cũng khẳng định sự cần thiết phải có Thông tư quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng này.
Được biết, Thông tư 20 quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành tháng 7/2014 đã được hủy bỏ trong ngày chính thức có hiệu lực 1/9/2014 bởi nhiều quy định thiếu tính khả thi.
Nguồn DVO