Thông tư 37 NHNN: Khung “an toàn” cho vay ra nước ngoài
Theo quy định tại Thông tư 37/2013/TT-NHNN vừa được NHNN ban hành, trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền liên quan đến khoản cho vay ra nước ngoài, tổ chức kinh tế phải mở một tài khoản cho vay ra nước ngoài tại một TCTD cung ứng dịch vụ tài khoản. Các giao dịch liên quan đến khoản cho vay ra nước ngoài như: giải ngân vốn cho vay; thu hồi nợ gốc nợ lãi và các loại phí, phải thực hiện thông qua tài khoản cho vay ra nước ngoài.
Việc NHNN ban hành quy định mở tài khoản là cần thiết để kiểm soát dòng tiền ra - vào cũng như sau này đảm bảo khả năng thu nợ qua tài khoản. Bên cạnh đó, Thông tư 37 cũng tạo khung khổ pháp lý hoạt động cho vay ra nước ngoài, giúp ngân hàng, DN hạn chế một số rủi ro trong quá trình cho vay. Thực tế cho thấy, một số ngân hàng đã cho DN vay để đầu tư ra nước ngoài, nhưng vì chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng nên khoản cho vay đó lúc được coi là dạng trực tiếp, lúc là gián tiếp khá phức tạp.
Mặt khác, về bản chất của hai hình thức tín dụng trên, thủ tục hồ sơ cho vay và yêu cầu bảo lãnh như nhau. Do vậy, việc NHNN bắt buộc trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền liên quan đến khoản bảo lãnh cho người không cư trú, tổ chức kinh tế phải mở một tài khoản bảo lãnh cho người không cư trú tại một TCTD cung ứng dịch vụ tài khoản là cần thiết.
Tất nhiên như thế không có nghĩa là đủ, mà các bên cho vay phải đề phòng những rủi ro có thể phát sinh. Trao đổi với phóng viên TBNH, TS. Cấn Văn Lực phân tích thêm.
Theo ông, khi cho vay ra nước ngoài chúng ta có thể gặp những rủi ro gì?
TS. Cấn Văn Lực |
Hiện tại, rủi ro khá đa dạng. Nếu rủi ro tỷ giá hối đoái thường biến động mạnh mẽ hơn ở khu vực châu Á thì rủi ro chính trị - vốn được coi là nhạy cảm - lại xảy ra phân tán ở các khu vực trên thế giới… Nếu người vay là DN Việt Nam thì chúng ta dễ kiểm soát được.
Cụ thể, như khi BIDV cho Hoàng Anh Gia Lai vay đầu tư sang Lào, Campuchia thì chỉ lo thẩm định rủi ro của công ty này ở các nước sở tại. Nhưng nếu đó là DN nước ngoài thì sẽ vấp phải một số rủi ro bên ngoài mà chúng ta khó lượng định trước. Đơn cử, khi cho DN nước ngoài vay cần lưu ý kiểm soát rủi ro ngoại hối của nước sở tại, xem họ có cho phép chuyển tiền ra nước ngoài để thanh toán hay không. Một vấn đề nữa đó là rủi ro pháp lý đối với tài sản đảm bảo.
Ví dụ cho DN ở nước ngoài vay, nhưng họ không trả được nợ thì phía đơn vị cho vay của Việt Nam có được bán, sở hữu tài sản đảm bảo hay không thì cũng cần phải nắm rõ. Liệu Chính phủ nước đó có hành động dẫn đến trường hợp không thể thu hồi vốn cho vay như tịch biên tài sản của DN đó… Do pháp luật hai nước khác nhau, nên chúng ta phải nắm chắc các vấn đề Luật của nước sở tại, thuê chuyên gia am hiểu về luật pháp, thậm chí phải thuê công ty tư vấn luật nếu cần. Trên thế giới, các tổ chức kinh tế khi cho vay ra nước ngoài đều thuê công ty tư vấn về luật để có thể hạn chế tối đa rủi ro pháp lý, chính trị.
Thông tư 37 quy định bên cho vay, bên bảo lãnh phải tự chịu rủi ro về pháp lý và tài chính. Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi nghĩ rằng những quy định trên là chính đáng. Tất nhiên, khi cho vay thì các tổ chức kinh tế phải thẩm định kỹ càng người vay và tự chịu trách nhiệm với các quyết định của mình. Đối với cho vay ra nước ngoài, nguyên tắc đầu tiên mà chúng ta phải thẩm định được đó là đảm bảo nguồn tiền phía nước ngoài là hợp pháp. Vì không loại trừ cho vay ra nước ngoài mà đối tác nước ngoài dùng tiền không hợp pháp, thậm chí rửa tiền để trả lại tiền vay hay bảo lãnh tại Việt Nam thì rất phức tạp.
Do đó, Thông tư 37 đã nêu rõ: bên cho vay, bên bảo lãnh phải chịu trách nhiệm nghiên cứu về năng lực pháp lý, năng lực tài chính của bên vay, bên được bảo lãnh là người không cư trú nhằm đảm bảo thu hồi nợ gốc và lãi theo thỏa thuận cho vay, thỏa thuận cấp bảo lãnh.
Theo tôi, đây là nội dung được quy định trong Thông tư 37 nhằm gắn trách nhiệm cụ thể cho các TCTD phải tự xác lập mức độ rủi ro khi hoạt động trong lĩnh vực cho vay còn khá mới mẻ này.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn Thời báo Ngân hàng