Vietinbank trước Thông tư 22. Ảnh: SHBS.

 
Phạm Vũ Thứ Hai | 02/12/2019 16:41

Thông tư 22 tác động như thế nào đến Vietinbank?

Thông tư 22 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng NIM của Vietinbank trong bối cảnh tỷ lệ LDR hiện tại của ngân hàng này là 89%...

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 22 quy định về mức trần tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) là 85% cho tất cả các ngân hàng từ năm 2020 trở đi. Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá quy định này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng NIM của Vietinbank trong bối cảnh tỷ lệ LDR hiện tại của ngân hàng này là 89%. Bên cạnh đó, Vietinbank chưa đạt chuẩn Basel II, điều này sẽ khiến cho dư địa mở rộng tín dụng trong 2020 không còn nhiều.

 

Về kết quả kinh doanh, quý III/2019, lãi sau thuế của Vietinbank đạt hơn 2.500 tỷ đồng, chủ yếu do quý này Vietinbank không tiếp tục thực hiện trích lập dự phòng thêm cho trái phiếu VAMC. Giá trị còn lại của trái phiếu VAMC tại thời điểm cuối quý II/2019  là 8.347 tỷ đồng và vẫn giữ nguyên tại thời điểm cuối quý III/2019.

VCSC dự báo thu nhập thuần năm 2019 của Vietinbank tăng nhẹ đạt 7.700 tỷ đồng khi lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng tăng bù đắp cho mức tăng của chi phí dự phòng. Trong 9 tháng 2019 tăng trưởng thu nhập thuần đạt 11,4% so với cùng kỳ năm trước, VCSC kỳ vọng tăng trưởng thu nhập thuần năm 2019 sẽ phục hồi mạnh hơn khi có diễn biến bất thường ảnh hưởng đến thu nhập lãi thuần (NII) trong quý IV/2019.

Đánh giá về tốc độ tăng trưởng tín dụng của Vietinbank so với toàn ngành Ngân hàng, Công ty chứng khoán Đại Nam (DNSE) cho biết trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn ngành Ngân hàng đạt gần 9% thì trong 9 tháng đầu năm chỉ số này ở Vietinbank chỉ là 3,6%. Mặc dù vậy thu nhập lãi thuần trong 9 tháng đầu năm của Vietinbank vẫn tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước. DNSE đánh giá không chỉ mình Vietinbank, mà toàn ngành Ngân hàng đang có mức tăng trưởng thu nhập mạnh mẽ trong khi lãi suất cho vay được giữ ổn định và có xu hướng giảm trong những năm gần đây.

Nguồn: DNSE.
Nguồn: DNSE.

Vietinbank cũng thích nghi với sự thay đổi cơ cấu cho vay của toàn ngành khi tăng dần tỷ trọng cho vay cá nhân và thu hẹp cả về quy mô và tỷ trọng cho vay doanh nghiệp Nhà nước - đối tượng rủi ro nợ xấu cao mà lãi suất cho vay lại không tương ứng.

Nguồn: DNSE.
Nguồn: DNSE.

Theo tính toán của DNSE, so sánh với các Ngân hàng Thương mại (NHTM) khác hiện đang trích lập dự phòng ở mức trung bình chỉ 66% so với quy định, việc tăng tốc trích lập dự phòng của Vietinbank sẽ tạo nền tảng giúp ngân hàng tăng mạnh được lợi nhuận trong tương lai khi việc trích lập được giữ ở mức ổn định.

Hiện các NHTM đang trích dự phòng trung bình từ 15-20% tổng thu nhập hoạt động, mức độ trích lập của Vietinbank hiện nay là 36,3%.

DNSE nhận định, khi chất lượng tài sản cải thiện, mức độ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng giảm xuống, lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng lên tương ứng. 

Như vậy, mặc dù Thông tư 22 được đánh giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng NIM của Vietinbank. Tuy nhiên, xét về tiềm năng tăng trưởng, vẫn còn nhiều yếu tố góp phần tăng trưởng lợi nhuận. 

►KBSV: Điều chỉnh tỷ lệ LDR là hành động nhằm cải thiện sức khỏe hệ thống Ngân hàng

►Thông tư 22 dồn BIDV vào thế khó?