Thông tin thu nhập của 2/3 số lao động vẫn nằm trong "hộp đen"
Trong phần viết về "Việc làm và thu nhập 6 tháng đầu năm 2013", TS.Nguyễn Thắng và Phạm Minh Thái đã đưa ra những đánh giá về thị trường lao động trong 6 tháng đầu năm 2013 thông qua các chỉ số chính về tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, thu nhập, tiếp cận với bảo hiểm xã hội...
Lực lượng lao động đang tạo "điểm ngoặt" từ năm 2013
Nghiên cứu của TS. Nguyễn Thắng cho thấy, số liệu về tăng trưởng GDP so sánh 6 tháng đầu năm từ 2010 tới 2013 cho thấy tốc độ tăng trưởng đã giảm, từ 6,16% trong nửa đầu năm 2010 xuống còn 4,9% trong 6 tháng đầu năm 2013.
Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng này ít dao động hơn so với sự thay đổi liên tục trong tăng trưởng về lao động. Đặc biệt 6 tháng đầu năm 2013, lực lượng lao động đã giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2012 , đây là dấu hiệu cho thấy xu hướng suy giảm về lực lượng lao động theo cơ cấu nhân khẩu học đã bắt đầu với "điểm ngoặt" từ năm 2013.
Báo cáo cũng cho biết người lao động tiếp tục dịch chuyển ra thành phô, chấp nhận sự cạnh tranh cao ở khu vực này vì công việc (nếu tìm được) thường đem lại thu nhập sẽ tốt hơn đáng kể so với ở khu vực nông thôn bởi lẽ dễ tìm được việc làm hơn ở khu vực nông thôn nhưng việc làm đó lại không đem lại thu nhập cao cho người lao động.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, tỷ lệ thất nghiệp chung của Việt Nam tăng nhẹ từ 1,71% trong 6 tháng đầu năm 2012 lên mức 2,01%.
Báo động tình trạng lao động không có bảo hiểm xã hội
Báo cáo cũng báo động tình trạng lao động không có bảo hiểm xã hội (bao gồm những lao động làm việc trong nông nghiệp, hoặc tại các doanh nghiệp phi nông nghiệp không có đăng ký, hoặc làm trong các doanh nghiệp có đăng ký song không tham gia bảo hiểm xã hội). Chỉ số này tiếp tục gia tăng đáng kể, từ mức 74,8% trong năm 2011 lên 78% trong năm 2012 và 81,8% trong 6 tháng năm 2013.
Quan ngại tình trạng thanh niên thành thị thất nghiệp
Bản báo cáo nhấn mạnh quan ngại về xu hướng tăng lên của thất nghiệp thanh niên thành thị đi cùng với xu hướng tăng lên của tỷ lệ thanh niên không hoạt động đối với không chỉ thị trường lao động Việt Nam nói riêng mà còn tạo ra một áp lực đáng kể đến những vấn đề xã hội.
Báo cáo cho biết, số liệu Điều tra Lao động và Việc làm không cung cấp thông tin về thu nhập của những lao động tự làm, lao động gia đình và những lao động không thuộc hình thức làm công ăn lương. Vì thế, thu nhập của khoảng 2/3 tổng số người làm việc trong nền kinh tế hiện nay đang ở trong trạng thái nằm trong "hộp đen" cần phải được tìm hiểu để có thể đánh giá được chất lượng của việc làm trên thị trường lao động.
Lao động làm công ăn lương trong các ngành dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ có mức thu nhập trung bình tăng tương ứng là 6,4%, 4,4% và 11,8% trong 6 tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ năm 2012, và đạt tương ứng là 3,6 triệu; 4,1 triệu và 3,7 triệu đồng/tháng trong 6 tháng đầu năm 2013. Đặc biệt, thu nhập của lao động làm công ăn lương trong ngành điện và dây cáp điện, gốm sứ và mây tre đan có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng (gần gấp hai lần tốc độ tăng trung bình) với tốc độ tăng tương ứng là 17%, 25,8% và 28,6% so với 6 tháng đầu năm 2012.
Nguồn CafeF