Thống nhất mô hình ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng
Đây từng là vấn đề được tranh luận sôi nổi nhất song cũng khó đi đến thống nhất nhất khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự án luật này, tại phiên họp tháng 9 vừa qua, khi Chính phủ đề xuất tới ba phương án. Và mỗi phương án nhận được sự đồng tình của một số thành viên dự họp.
Qua nhiều lần tiếp thu chỉnh sửa, tại tờ trình dự án luật gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết, thực hiện kết luận của hội nghị Trung ương 5: “Ở Trung ương, thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng bí thư làm Trưởng ban”, dự thảo luật đã không quy định về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ do Đảng quy định. Đồng thời, công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của cơ quan này sẽ được thực hiện thông qua các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng.
Theo tờ trình, dự thảo luật cũng đã được bổ sung một số quy định nhằm khẳng định vị trí, vai trò của Chính phủ trong phòng, chống tham nhũng.
Việc bỏ các quy định về Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tại dự thảo luật đã nhận được sự nhất trí của cơ quan thẩm tra, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội.
Ủy ban này cho rằng, trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, ngoài Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 quy định về sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội thì các văn bản quy phạm pháp luật không quy định điều chỉnh về tổ chức, hoạt động đối với các cơ quan, tổ chức của Đảng.
Việc thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng bí thư làm Trưởng ban là để bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị của Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng.
Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp và pháp luật quy định, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan, tổ chức hữu quan theo thẩm quyền đều có quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Tại các cơ quan này đã có các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy, đảng bộ, chi bộ để lãnh đạo, chỉ đạo mọi công tác, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Nhìn tổng thể, cơ quan thẩm tra nhận xét, dự thảo luật còn thiếu quy định cụ thể về các biện pháp bảo đảm thực hiện như về trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch trong một số lĩnh vực, hoạt động, xử lý tài sản tham nhũng, kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, xác định trách nhiệm của người đứng đầu…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án luật này đã nói, kỳ họp thứ tư Quốc hội sẽ thảo luận rất sâu về nội dung phòng chống tham nhũng và các bộ trưởng sẽ đăng đàn gần như trả lời chất vấn khi thảo luận để từ đó sửa luật cho tốt hơn.
Theo dự kiến, Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được thông qua ngay tại kỳ họp thứ tư của Quốc hội, sau một phiên thảo luận ở tổ và hai phiên tại hội trường.
Nguồn VnEconomy