Thống kê tỉ lệ thất nghiệp: chuẩn quốc tế có chuẩn với Việt Nam?
Ba giờ chiều ngày thứ hai, dưới cái nắng oi ả còn sót lại của mùa hè, con kênh sông Nhuệ, Hà Đông, Hà Nội bốc mùi hôi khó chịu, chị Hoa bận bịu chăm đứa con nhỏ trong căn nhà trọ chật trội cạnh con kênh. Chị Hoa trước kia là cử nhân kinh tế của trường Đại học Mở Hà Nội nhưng ra trường 5 năm nay chưa tìm được một công việc nào đúng chuyên ngành, ngay cả công việc văn phòng bình thường chị cũng không xin được.Chị đã phải tìm đủ mọi nghề để kiếm sống, thậm chí cả đi làm phu hồ, rửa bát thuê. Sau khi lấy chồng và có con, giờ chị kiếm sống bằng nghề bán xôi cho một khu công nghiệp gần đó vào mỗi buổi sáng.
Chồng chị, anh Tuấn, là kỹ sư của trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội cũng trong hoàn cảnh tương tự. Ra trường đã gần chục năm nhưng chưa bao giờ anh được làm đúng chuyên ngành của mình. Hiện anh đang làm gia sư cho học sinh cấp 2 vào các buổi tuối.
Hai anh chị Tuấn, Hoa cùng là người Thái Bình lên Hà Nội để học hành và mưu sinh, thu nhập hàng tháng của hai người chỉ khoảng hơn 4 triệu đồng, người thì làm sáng sớm, người thì làm tối khuya. Ai cũng muốn làm thêm việc gì đó vào thời gian rảnh rỗi nhưng họ không thể tìm được công việc gì khác.
Cách đó không xa, gia đình bác Tài có năm nhân lực đều trong độ tuổi lao động nhưng cả gia đình chỉ trông vào mảnh ruộng chưa đầy 2 héc ta trồng đào gần Khu đô thị Dương Nội. Bác Tài kể, trước đây ruộng nhà bác cũng rộng lắm nhưng đã bị thu hồi làm dự án khu đô thị.
“Cả gia đình 5 người phân công nhau làm ruộng, người thì làm cỏ, người thì tưới nước, người thì ở nhà phục vụ cơm nước. Trong thời gian chờ đến dịp tết để có thu nhập từ trồng đào thì gia đình tôi trồng rau ngắn ngày để có thu nhập thêm. Nói chung, thời gian rảnh nhiều lắm,” bác Tài cười nói.
Gia đình bác Tài và anh chị Tuấn, Hoa đều là những đối tượng thuộc diện “có việc làm” trong các cuộc điều tra của về thất nghiệp của Tổng cục Thống kê. Chính vì vậy, tỉ lệ thất nghiệp của Việt Nam năm nào cũng thấp.
Vẫn theo thông lệ quốc tế
Tỉ lệ thất nghiệp ở mức 1,84% là con số đáng mơ ước của nhiều nước trên thế giới, ngay cả những nước phát triển như Mỹ và các nước châu Âu đều có tỉ lệ thất nghiệp cao gấp nhiều lần Việt Nam. Ví dụ như Tây Ban Nha có tỉ lệ thất nghiệp lên tới 27%. Nhiều chuyên gia kinh tế và ngay cả người dân bình thường đều tỏ ra hoài nghi về con số mà các cơ quan chức năng đưa ra, cụ thể ở đây là Tổng cục Thống kê (đơn vị thu thập số liệu); Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (đơn vị xử lý số liệu) và Tổ chức lao động Thế giới (ILO) (đơn vị hỗ trợ kỹ thuật trong cuộc điều tra).
Lý giải về con số này, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTBXH cho hay phương pháp thu thập số liệu cũng như xử lý số liệu thống kê của Việt Nam hoàn toàn theo thông lệ quốc tế.
Cụ thể, theo tiêu chuẩn quốc tế, “người thất nghiệp” bao gồm những người từ 15 tuổi trở lên mà trong thời gian khảo sát, thường là trong tuần trước đó, đáp ứng tất cả 3 điều kiện: không có việc làm dù chỉ là 1 giờ, sẵn sàng làm việc và đang tìm việc.
Việt Nam có tỉ lệ lao động nông nghiệp là 44%, tỉ lệ nông thôn 70%, chưa kể có thêm yếu tố kinh tế đường phố. Chính vì đặc thù như vậy nên gần như không ai thất nghiệp hết. “Nền kinh tế này tạo ra nhiều công việc, dù có thể công việc đó có đồng lương chết đói,” bà Hương nói.
Ông Phú Huỳnh, chuyên gia kinh tế lao động của ILO tại Châu Á – Thái Bình Dương nhận định với cách định nghĩa thất nghiệp như vậy thì càng những nước kém phát triển thì tỉ lệ thất nghiệp càng thấp. Điển hình như Camphuchia và Lào có nền kinh tế kém phát triển hơn Việt Nam, đồng thời cũng có tỉ lệ thất nghiệp thấp hơn Việt Nam.
Điều này, theo ông Huỳnh, là do ở những quốc gia kém phát triển với những hạn chế về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các phúc lợi xã hội khác người lao động không thể tồn tại nổi nếu bị “thất nghiệp”. Họ phải tìm kế sinh nhai bằng mọi cách, và thông thường họ chấp nhận làm mọi công việc.
Ngược lại, ở những nước phát triển với hệ thống bảo trợ xã hội tiên tiến và mức sống cao hơn, người lao động có thể tồn tại trong hoàn cảnh thất nghiệp và dành thời gian đi tìm những công việc mà họ mong muốn.
Nhưng không còn phù hợp
Mặc dù ILO là đơn vị tư vấn cho Việt Nam thực hiện điều tra về tỉ lệ thất nghiệp nhưng ông Phú Huỳnh cũng phải thừa nhận rằng việc sử dụng tỷ lệ thất nghiệp làm thước đo cho nền kinh tế Việt Nam sẽ không thể hiện được đầy đủ tình trạng của thị trường lao động.
“Việt Nam không có đủ những việc làm tốt, bền vững với năng suất cao, dẫn đến việc không sử dụng được đầy đủ tiềm năng của lực lượng lao động như tỷ lệ thiếu việc làm cao, thu nhập thấp và năng suất lao động thấp,” ông Huỳnh nhấn mạnh.
Chính vì vậy, việc theo dõi thị trường lao động Việt Nam cần có những chỉ số thể hiện được chất lượng việc làm. Chẳng hạn, những chỉ số như tỷ lệ lao động nghèo, tỷ lệ việc làm dễ bị tổn thương, tỷ lệ nền kinh tế phi chính thức, tỷ lệ ngành nông nghiệp trong số việc làm, năng suất lao động và lương bình quân.
Ông Tite Habiyakare, chuyên gia về thống kê lao động của ILO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho biết cách thống kê hiện nay không thể hiện được mức độ sử dụng được đầy đủ tiềm năng của người lao động; cũng như không tính đến những người muốn làm việc nhưng đã từ bỏ công cuộc tìm việc do không có việc phù hợp hoặc họ đã quá chán nản với công cuộc đi tìm việc làm.
Chính vì vậy, tiêu chuẩn quốc tế về thống kê tỉ lệ thất nghiệp đã thay đổi trong Hội nghị Thống kê Lao động Quốc tế lần thứ 19 vào tháng 10-2013.
Theo định nghĩa mới, những người có việc làm là những người trên 15 tuổi mà trong một khoảng thời gian ngắn nhất định (thường là 1 tuần), có tham gia vào một hoạt động sản xuất ra hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ để được trả lương hoặc kiếm lợi nhuận. Như vậy một số lượng lớn lao động trong ngành nông nghiệp mang tính tự cung tự cấp hay dùng để trao đổi hàng hóa sẽ không còn được xem là có việc làm.
“Điều này sẽ dẫn đến sự thay đổi đáng kể về tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam, nơi phần lớn người lao động làm việc trong ngành nông nghiệp tự cung tự cấp với rất ít hoặc không có sự kết nối với nền kinh tế thị trường” – ông Tite Habiyakare dự báo.
ILO khuyến khích các quốc gia, nếu có thể thực hiện, thì nên bắt đầu sử dụng các chỉ số về việc làm mới này. Tuy nhiên, việc thực hiện có thể cần một thời gian thử nghiệm, và trong lúc đó vẫn giữ những phương pháp thống kê hiện tại, nhằm giúp công chúng có thời gian để hiểu về những thay đổi trong công tác thống kê lực lượng lao động.
Nguồn thesaigontimes