Thứ Sáu | 26/07/2013 12:05

Thống đốc: VAMC không phải công cụ xử lý triệt để nợ xấu

Theo Thống đốc, VAMC chỉ nên được coi là thêm 1 công cụ góp phần với các công cụ khác để xử lý nợ xấu, góp phần làm lành mạnh ngân hàng.
Phát biểu tại Lễ khai trương Công ty quản lý tài sản (VAMC) sáng nay (26/7), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, theo kinh nghiệm của nhiều nước, công ty mua bán nợ được coi như là một công cụ hữu ích cho quá trình xử lý nợ xấu, cải cách kinh tế, khôi phục lại sự lành mạnh của tổ chức tín dụng nhưng không ít mô hình tại các nước đã thất bại.

Do đó, Thống đốc cho rằng đòi hỏi đặt ra là Việt Nam phải có bước đi thận trọng, khôn khéo, phù hợp thực tiễn trong nước. Bên cạnh đó, bộ máy lãnh đạo và nhân viên cũng phải luôn tìm tòi, năng động trong khi hoạt động, nghiêm túc chấp hành mọi quy định để công ty vận hành minh bạch, rõ ràng.

Thống đốc cũng yêu cầu dù không vội vàng nhưng vẫn cần phải có lộ trình cụ thể để làm sao trong một giai đoạn nhất định VAMC phát huy được tác dụng, giải quyết đáng kể nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế; phấn đấu đến 2015 có thể đưa nợ xấu xuống mức kiểm soát được theo đúng quy định pháp luật.

"Mặc dù dưới dạng một công ty nhưng Chính phủ có hẳn quy định riêng cho VAMC cho thấy tính chất đặc thù, phức tạp của công ty này. Trong khi đó, kinh nghiệm thực tiễn chưa có mà kinh nghiệm từ các nước lại khác nhau", Thống đốc chia sẻ.

Thống đốc thừa nhận, dù ban lãnh đạo NHNN, các tổ chức tín dụng và bộ ban ngành rất trông chờ vào VAMC nhưng đây cũng không phải là chiếc đũa thần để có thể xử lý hết, xử lý triệt để nợ xấu. Theo đó, VAMC chỉ nên được coi là thêm 1 công cụ góp phần với các công cụ khác để xử lý nợ xấu, góp phần làm lành mạnh tài chính ngân hàng, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.

Đồng quan điểm với Thống đốc, Phó Thống đốc Đặng Thành Bình - chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cũng cho rằng, xử lý nợ xấu gặp nhiều thách thức trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp chịu nhiều thách thức, thị trường chưa phục hồi, bản thân công ty cũng chưa có tiền lệ hoạt động.

"VAMC giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh quy mô nợ xấu vượt quá khả năng xử lý riêng lẻ của từng tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, xử lý nợ xấu không chỉ dựa vào duy nhất VAMC mà phải có sự phối hợp nhiều bộ ngành, nhiều lĩnh vực", ông chia sẻ.

Theo Nghị định 53, các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu hơn 3% sẽ được yêu cầu bán nợ xấu cho VAMC và NHNN dự kiến công ty này sẽ xử lý được khoảng 80 - 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu với tỷ lệ thu hồi dự kiến 20 - 40%. Trong năm 2013, NHNN kỳ vọng VAMC sẽ xử lý được khoảng 40 - 70 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện