Thứ Ba | 21/08/2012 14:37

Thống đốc: Tỷ lệ nợ xấu lên tới 60% tại nhóm 9 ngân hàng

Khi thanh tra 9 ngân hàng phải tái cơ cấu, NHNN thấy có tổ chức có nợ xấu lên tới 60% tổng dư nợ, thua lỗ đến âm vốn điều lệ.
Trong phiên trả lời chất vấn chiều nay về vấn đề nợ xấu (21/8), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, vừa qua khi thanh tra 9 tổ chức trong đề án tái cơ cấu, NHNN cho hay, có tổ chức có tỷ lệ nợ xấu lên tới 30%, 60%, thậm chí 1 số tổ chức còn lỗ đến mức âm vốn điều lệ.

Trước đó, những tổ chức tín dụng này báo cáo lên NHNN là tỷ lệ nợ xấu không quá 2,5% và hoạt động kinh doanh có lãi.

Vì vậy, NHNN thấy không thể căn cứ vào số liệu của các tổ chức tín dụng mà còn phải căn cứ vào cơ quan giám sát của NHNN. Số liệu của NHNN là căn cứ khoa học nhất, Thống đốc khẳng định.

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến 31/5, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng khoảng 4,47%, nhưng theo cơ quan giám sát của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu tại ngày 31/3 lên tới 8,6%.

Giải thích về việc có các số liệu nợ xấu khác nhau, Thống đốc cho biết, đây không phải vấn đề mới phát sinh. Trước đây khi Việt Nam chưa hội nhập thì sẽ có 2 số liệu nợ xấu, một do các tổ chức tín dụng báo cáo lên, một do NHNN thanh tra. Sau khi hội nhập, có thêm số liệu do các cơ quan quốc tế giám sát.

Việc số liệu nợ xấu khác nhau cũng do việc phân chia các nhóm nợ còn mang tính định lượng và cả định tính. Về định lượng, việc phân các nhóm từ từ nhóm 1 đến nhóm 5 nghiện tuân theo Quyết định 493 của NHNN. Song, các tổ chức tín dụng cũng đánh giá định tính khi trong số các khoản nợ nếu có 1 khoản thuộc nhóm nợ cao hơn thì phải đưa về nhóm cao nhất. Tổ chức tín dụng cũng chưa nắm hết được các khoản nợ của khách hàng tại các tổ chức tín dụng khác để có đánh giá chính xác.

Ngoài ra, sai lệch số liệu còn do ý thức của ngân hàng bởi nếu nợ xấu càng thấp thì số tiền phải trích lập dự phòng cũng càng ít.

Thống đốc cũng chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ xấu cao như hiện nay.

Thứ nhất, do nền kinh tế nhiều năm phát triển theo chiều rộng nên rất cần vốn, dẫn tới tăng trưởng tín dụng rất nhanh 5 năm trước 2008 tăng trưởng tín dụng 33%, 10 năm đổi mới tăng 29%. Mức tăng trưởng tín dụng quá nóng dẫn tới nợ xấu tăng.

Thứ hai, do cơ chế của NHNN nhiều năm ít đổi mới nên không theo kịp diễn biến phức tạp của thị trường, hoạt động thanh tra giám sát nhiều lúc tê liệt.

Thứ ba, do việc cho mở quá nhiều tổ chức tín dụng dẫn đến ngân hàng cạnh tranh cho vay, coi nhẹ thẩm định dẫn đến nợ xấu tăng.

Thứ tư, do chính tình hình tài chính yếu kém của doanh nghiệp, sử dụng vốn không đúng mục đích dẫn đến nợ xấu hiện nay.

"Tổng hợp tất cả các yếu tố trên đã dẫn đến nợ xấu cao. Tuy nhiên, nợ xấu hiện này là tích lũy nhiều năm", Thống đốc nói.

Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng mới chỉ khoảng 1%, nhưng nợ xấu tăng mạnh qua các năm. Năm 2008 nợ xấu tăng 74%, 2009 tăng 27%, 2010 tăng 41%, 2011 tăng 64% và 6 tháng đầu năm nợ xấu tăng 47%.

Về giải pháp, Thống đốc Bình cho hay thời gian tới NHNN sẽ thay đổi lại các văn bản là xương sống của tổ chức tín dụng. Trong quý III, NHNN sẽ ban hành đầy đủ các văn bản này và có hiệu lực từ 2013 để các tổ chức có thời gian thực hiện, đặc biệt là các văn bản có liên quan đến cấp tín dụng, nâng cao hiệu quả thanh tra giám sát...

Nguồn Khampha


Sự kiện