Thống đốc: Sẽ cung ứng 20.000 - 40.000 tỷ đồng để ngân hàng thương mại cho vay mua nhà
Rót hàng chục nghìn tỷ đồng cho vay mua nhà
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, thị trường bất động sản tại Hà Nội có sự khác biệt so với thị trường TPHCM, đó là tình trạng đóng băng xảy ra chậm hơn, số lượng dự án ít hơn, nhưng quy mô mỗi dự án và tổng thể lớn hơn; số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thị trường ít hơn; dư nợ bất động sản ít hơn, vốn chủ yếu huy động từ người mua nhà; giá nhà ở cũng cao hơn nếu so với các dự án cùng điều kiện.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng trước hết phải thực hiện rà soát các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, tiến hành phân loại các dự án phát triển nhà ở, bất động sản; xử lý theo hướng dừng các dự án chưa giải phóng mặt bằng hoặc đang giải phóng mặt bằng nhưng không phù hợp kế hoạch phát triển của địa phương.
Đối với các công trình nhà ở đang thi công dở dang hoặc đã hoàn thành nhưng tồn kho không bán được do diện tích căn hộ quá lớn, tùy theo từng khu vực, cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ cho phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân.
Với các dự án phát triển nhà ở thương mại đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai công trình nhà ở, cho phép cơ cấu lại dự án, chuyển sang làm nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp, công nhân lao động.
Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là giải quyết nhanh chóng các thủ tục cho phép điều chỉnh cơ cấu dự án đang tồn kho, thi công dở dang cho phù hợp với nhu cầu thị trường; thủ tục chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.
Tương tự như đã “hứa” với TPHCM, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, cơ quan này sẽ hỗ trợ hết mức cho người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở, trong đó sẽ tạo điều kiện về các chính sách tiền tệ linh hoạt để có thể khơi thông thị trường.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trong 2013 sẽ tập trung xử lý khoảng 100.000 - 150.000 tỷ đồng nợ trong bất động sản. Cùng với đó, cơ quan này cũng sẽ cung ứng từ 20.000 - 40.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại để cho vay mua nhà trong 10 năm tới.
Thống đốc Bình cũng lưu ý các bộ, ngành và Hà Nội cần tính đến các giải pháp dài hơi hơn, đặc biệt cần tính toán tới việc cấp phép bất động sản, cơ cấu vốn hợp lý; sàng lọc nhà đầu tư cũng như giá bán nhà.
Chia sẻ tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Xây dựng thống kê và đánh giá chính xác về nợ đọng, dư nợ, nợ xấu trong bất động sản để có cơ sở cho Chính phủ ra nghị quyết.
Trước mắt, Bộ kiến nghị Chính phủ cho gia hạn, giãn tiền sử dụng đất 24 tháng cho chủ dự án; được nộp tiền theo tiến độ bán hàng. Các dự án đã gia hạn theo Nghị quyết 13 thì được gia hạn tiếp, cho giảm 50% tiền thuê đất phải nộp.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ kiến nghị cần giảm và miễn thuế đối doanh nghiệp bất động sản. Cụ thể: giảm 10% đối với thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, áp dụng sớm 6 tháng so với luật (1/7/2013); gia hạn VAT tháng 1-3 cho các doanh nghiệp bất động sản và vật liệu xây dựng; kiến nghị Quốc hội giảm 50% VAT đối với kinh doanh nhà ở xã hội, giảm mức thấp hơn đối với đối tượng mua nhà ở 79 m2 và giá dưới 15 triệu/m2…
Phải "làm ấm" từng phần thị trường bất động sản
Đánh giá về thị trường bất động sản Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cho hay, tình trạng ứ đọng, khó khăn của thị trường bất động sản có nhiều nguyên nhân, trong đó trước hết phải kể đến những yếu kém trong công tác quản lý, quy hoạch. Vì vậy, Hà Nội phải đặc biệt lưu ý công tác rà soát lại quy hoạch, phát triển thị trường nhà ở theo hướng có cơ cấu hợp lý, quan tâm tập trung nguồn lực để tiếp tục phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, nhà ở công nhân, sinh viên, cán bộ công chức…
Cùng với đó là nghiên cứu xây dựng các định chế tài chính để hỗ trợ thị trường. Có chính sách khuyến khích, kích cầu về nhà ở; làm sao cho người có thu nhập thấp cũng mua được, hoặc thuê được nhà với giá cả hợp lý.
Hà Nội cần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong các giao dịch bất động sản. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp, tập trung cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, hạ giá thành sản phẩm, cung cấp sản phẩm trực tiếp đến khách hàng có nhu cầu thực, tránh qua trung gian, đầu cơ.
“Ngân hàng Nhà nước bên cạnh việc tập trung xử lý nợ xấu bất động sản, trích lập dự phòng rủi ro, tích cực xử lý tài sản thế chấp... cần nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp, khả thi nhằm hỗ trợ cho các hộ dân vay để mua nhà ở xã hội”, Thủ tướng chỉ đạo.
Đáng chú ý, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành và Hà Nội cần tăng cường tính công khai, minh bạch thông tin về các hoạt động thị trường bất động sản, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, tổng thể các giải pháp để từng bước tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, “làm ấm” từng phần thị trường, tiến tới lành mạnh hóa hoạt động và phát triển bền vững thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Nguồn Vneconomy