Thứ Năm | 14/02/2013 21:30

Thống đốc: Sẽ có thêm tổ chức tín dụng tự nguyện sáp nhập trong 2013

Theo Thống đốc, nhiệm vụ tái cơ cấu TCTD trước hết thuộc về TCTD, đặc biệt xử lý tổn thất kinh tế, nợ xấu phải do chủ sở hữu chịu trách nhiệm.
Đó là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình trong cuộc phỏng vấn với Báo Đầu tư nhân dịp đầu Xuân 2013.

Nhìn lại năm 2012 - một năm đầy áp lực của Thống đốc, ông thấy có điều gì hài lòng và chưa hài lòng?

Tôi hài lòng về đóng góp của ngành ngân hàng vào mục tiêu kinh tế vĩ mô.

Thứ nhất, có thể thấy rằng, cùng với các chính sách vĩ mô khác của Chính phủ, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những đóng góp quan trọng, giúp tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Mặt bằng lãi suất giảm từ 5-9%/năm so với cuối năm 2011, phù hợp với mục tiêu, định hướng đặt ra từ đầu năm, đã có tác động tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn, giảm áp lực chi phí vay vốn của doanh nghiệp và hộ dân, qua đó hỗ trợ tăng tổng cầu của nền kinh tế.

Thứ hai, thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định, lòng tin vào đồng tiền Việt Nam và các giải pháp điều hành của NHNN được củng cố, tình trạng đô la hóa từng bước giảm bớt, NHNN đã mua được một khối lượng lớn ngoại tệ để gia tăng dự trữ ngoại hối, góp phần tăng tiềm lực tài chính quốc gia. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện tích cực. Quá trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) cũng đã có những kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, trong điều kiện chịu tác động từ diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới và những khó khăn nội tại của nền kinh tế, điều hành chính sách tiền tệ năm 2012 của NHNN vẫn đối mặt với một số khó khăn.

Một là, hoạt động của hệ thống các TCTD cơ bản an toàn, nhưng nợ xấu vẫn tăng.

Hai là, tín dụng tăng trưởng thấp so với mục tiêu đề ra, chủ yếu là do các nhân tố cầu tín dụng ngoài lãi suất, như sức cầu trong nước và cầu nước ngoài yếu; khả năng tiêu thụ sản phẩm khó khăn; hàng tồn kho tăng cao, nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, không đủ điều kiện vay vốn; tồn kho bất động sản khá lớn... Điều này cho thấy, để lưu thông dòng vốn tín dụng, cần có sự phối hợp đồng bộ các chính sách từ phía các bộ, ngành.

Ba là, mặc dù NHNN đã tăng cường truyền thông, đưa thông tin về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng để định hướng dư luận và tạo lòng tin trong công chúng, nhưng vẫn còn một số hạn chế trong công tác này, khiến có thời điểm, công chúng hiểu chưa rõ về chủ trương, chính sách của NHNN.

Về tổng thể, nhìn lại một năm qua, tôi hài lòng không phải vì riêng một con số nào, mà hài lòng vì chính sách đúng hướng, thực hiện quyết liệt, kiên trì. Điều đó cho thấy, lạm phát, bất ổn kinh tế vĩ mô có thể giải quyết được.

Trong các diễn đàn gần đây, các nhà tài trợ cũng như các chuyên gia quốc tế phàn nàn về cải cách ngân hàng còn chậm, ông có bình luận gì về các ý kiến này?

Cơ cấu lại hệ thống TCTD là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của ngành ngân hàng, để cùng với cơ cấu lại đầu tư và tái cơ cấu doanh nghiệp thực hiện thành công chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015”. Theo Đề án, năm 2012 tập trung bảo đảm an toàn thanh khoản của từng TCTD và hệ thống các TCTD; xử lý ngân hàng thương mại yếu kém. Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã triển khai cơ cấu lại các TCTD theo đúng định hướng, lộ trình tại Đề án nói trên, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan.

Các ngân hàng yếu kém thuộc diện cơ cấu lại đang từng bước phục hồi và hoạt động ổn định hơn. Do đó, nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng được đẩy lùi, khả năng thanh khoản của các ngân hàng được cải thiện, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững trong quá trình cơ cấu lại các ngân hàng. Tài sản của Nhà nước và quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm.

Tuy nhiên, cơ cấu lại hệ thống các TCTD, đặc biệt là vấn đề xử lý các ngân hàng yếu kém là quá trình phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội. Trong quá trình triển khai, NHNN đã gặp không ít khó khăn, như khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện; sự thiếu hợp tác hoặc chống đối từ phía cổ đông lớn của một số TCTD yếu kém đối với các chính sách, biện pháp cơ cấu lại của NHNN, gây khó khăn cho quá trình cơ cấu lại đối với các TCTD này.

Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế vĩ mô kém ổn định, các chính sách tiền tệ và chính sách kinh tế vĩ mô được tiến hành chặt chẽ để kiềm chế lạm phát; hệ thống pháp luật và các phương tiện để cơ cấu lại ngân hàng còn nhiều hạn chế… đã ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả cơ cấu lại hệ thống các TCTD, đặc biệt là việc xử lý các TCTD yếu kém thời gian qua.

Thống đốc có thể cho biết tình trạng “sức khỏe” một số ngân hàng sau sáp nhập, hợp nhất?

Trong năm 2012, NHNN đã tập trung đánh giá, phân loại các TCTD để xây dựng, triển khai phương án tái cơ cấu, trong đó ưu tiên xử lý các TCTD yếu kém.

Quá trình đánh giá, phân loại để xác định các TCTD yếu kém mất nhiều thời gian, trong khi nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, để triển khai cơ cấu lại các TCTD yếu kém, đảm bảo theo đúng nguyên tắc, giải pháp tại Đề án và các quy định của pháp luật, NHNN đã đưa ra nhiều biện pháp tái cơ cấu khác nhau, trong đó, ưu tiên các giải pháp tối thiểu hóa chi phí và tối đa hóa lợi ích các bên liên quan, như TCTD tự củng cố, chấn chỉnh, cơ cấu lại dưới hình thức kêu gọi các đối tác mới tham gia hoặc tìm kiếm đối tác để thỏa thuận tự nguyện sáp nhập, hợp nhất… Trường hợp không thực hiện được các giải pháp này, NHNN mới can thiệp, xử lý.

Trên tinh thần đó, NHNN chấp thuận cho 3 ngân hàng TMCP (Đệ Nhất, Sài Gòn, Việt Nam Tín Nghĩa) hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn và tiếp tục triển khai các bước tái cơ cấu tiếp theo; Ngân hàng TMCP Tiên Phong tự củng cố, chấn chỉnh thông qua việc kêu gọi cổ đông chiến lược, cổ đông mới có năng lực tham gia tái cơ cấu; Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội và triển khai các giải pháp tái cơ cấu sau sáp nhập.

Hầu hết các ngân hàng hợp nhất, sáp nhập là những ngân hàng yếu kém. Đến nay, các ngân hàng này đã đi vào hoạt động ổn định và triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại tài chính, xử lý nợ xấu, quản trị và hoạt động. Thanh khoản của các ngân hàng này đã được cải thiện và bảo đảm chi trả đầy đủ tiền gửi của nhân dân, an toàn tài sản của Nhà nước.

Điều này cho thấy, các giải pháp xử lý các ngân hàng TMCP qua sáp nhập, hợp nhất là phù hợp và có hiệu quả, không tạo áp lực lên thị trường và Nhà nước.

Năm 2013, dự kiến tiếp tục có một số TCTD được sáp nhập, hợp nhất trên cơ sở tự nguyện, để vừa góp phần xử lý TCTD yếu kém, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh của TCTD.
Thống đốc có thể chia sẻ về kế hoạch và trọng tâm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng năm 2013?

Với việc nhận diện rõ các khó khăn trong thời gian tới và bằng các kinh nghiệm tích lũy từ quá trình triển khai trong năm 2012, sự đồng thuận, hỗ trợ của toàn xã hội, thời gian tới, đặc biệt là trong năm 2013, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để tiến hành cơ cấu lại các TCTD theo đúng mục tiêu, giải pháp, lộ trình tại Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nhiệm vụ tái cơ cấu TCTD trước hết thuộc về trách nhiệm, nghĩa vụ của TCTD, đặc biệt là xử lý tổn thất kinh tế, nợ xấu phải do chủ sở hữu chịu trách nhiệm. Căn cứ thực trạng hoạt động của TCTD, NHNN sẽ lựa chọn giải pháp tái cơ cấu phù hợp, trong đó ưu tiên giải pháp các TCTD tự tái cơ cấu dưới hình thức sáp nhập, hợp nhất tự nguyện với TCTD khác, hoặc kêu gọi nhà đầu tư tiềm năng đầu tư vốn để xử lý tổn thất, khôi phục lại hoạt động của TCTD.

Nếu TCTD không tự tái cơ cấu được theo quy định của pháp luật và Đề án nói trên, NHNN kiên quyết và sẵn sàng áp can thiệp, kể cả các biện pháp cứng rắn, mang tính bắt buộc để xử lý các TCTD yếu kém, bảo vệ tài sản, quyền lợi của Nhà nước và nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội và bảo đảm an toàn của hệ thống các TCTD.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện