Thống đốc NHNN yêu cầu tăng cường xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng
Ngày 27/01/2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về tăng cường xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD).
Theo Chỉ thị này, thời gian qua việc xử lý nợ xấu của các TCTD đạt được nhiều kết quả ban đầu quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của toàn ngành Ngân hàng.
NHNN đã tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trong toàn hệ thống, phù hợp với quy định của pháp luật và nội dung của Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các TCTD đã tích cực thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ, xử lý nợ xấu thông qua việc bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của TCTD Việt Nam (VAMC), thu hồi nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, kiểm soát gia tăng nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng gắn với đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu TCTD theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu của các TCTD, phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% đến cuối năm 2015 theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN làm tốt công tác tham mưu cho Thống đốc NHNN, chủ động triển khai thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu theo chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, trong đó có các nhiệm vụ chính cần tập trung đó là: Triển khai các giải pháp để xử lý nợ xấu, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng, cải thiện thanh khoản, nâng cao sự an toàn, lành mạnh, hiệu quả hoạt động của TCTD, tạo điều kiện mở rộng tín dụng hợp lý, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý và ổn định kinh tế vĩ mô.
Gắn việc xử lý nợ xấu, thực hiện cơ cấu lại hệ thống các TCTD với việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng, mở rộng hoạt động kinh doanh và phát triển mạng lưới của TCTD.
Đồng thời, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan tới xử lý nợ xấu; Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án mua, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường để VAMC thực hiện trong năm 2015; Tiếp tục có giải pháp hỗ trợ trong việc trích lập dự phòng rủi ro đối với các TCTD gặp khó khăn trong quá trình tái cơ cấu; Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát các TCTD và bảo đảm tuyệt đối an toàn hệ thống các TCTD; Chỉ đạo VAMC phối hợp với các TCTD đẩy mạnh mua, xử lý nợ xấu bằng các biện pháp theo quy định của pháp luật hiện hành…
Đối với các TCTD, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại nợ, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro; nghiêm cấm sử dụng biện pháp che giấu nợ xấu, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng và kết quả kinh doanh; Nghiêm cấm lợi dụng việc xử lý nợ xấu để trục lợi, vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho TCTD; Triển khai các biện pháp kiểm soát nợ xấu phát sinh mới và nâng cao chất lượng tín dụng;
Xây dựng và báo cáo NHNN kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2015 (chi tiết chỉ tiêu xử lý nợ xấu cho từng tháng), trong đó có các giải pháp về sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ xấu cho VAMC, đảm bảo đến ngày 30/6/2015 phải xử lý được tối thiểu 60% số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015, riêng chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC phải đạt không dưới 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015 để đến cuối năm đưa nợ xấu về mức dưới 3% tổng tài sản có được phân loại;
Rà soát, tiết giảm các chi phí hoạt động và tập trung mọi nguồn lực cho việc xử lý nợ xấu; Tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu; Kịp thời báo cáo NHNN tình hình, kết quả phân loại nợ, trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu…
Công ty VAMC thực hiện việc mua, bán, xử lý nợ xấu theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn, hiệu quả; Tiếp tục kiện toàn tổ chức, hoàn thiện bộ máy và các thủ tục, chính sách, quy định nội bộ về các hoạt động nghiệp vụ và quản trị, điều hành; Tăng cường phối hợp chặt chẽ với TCTD trong việc thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, bán và xử lý nợ, tài sản bảo đảm đối với các khoản nợ xấu đã mua; hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay phục hồi sản xuất kinh doanh, hoàn thiện các dự án dở dang;
Tiếp xúc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia mua, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm; Nâng cao năng lực tài chính và tăng vốn điều lệ của VAMC; tăng cường năng lực định giá, đánh giá tài sản, tổ chức bán đấu giá nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua;
Rà soát, phân loại, đánh giá lại các khách hàng vay, tài sản bảo đảm và các khoản nợ đã mua để xác định khả năng thu hồi nợ và có giải pháp xử lý phù hợp; Tích cực kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung ủy quyền của TCTD được ủy quyền, khách hàng vay, khoản nợ và tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua; Triển khai thực hiện việc mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường theo quy định của pháp luật và phương án được duyệt; Kịp thời báo cáo tình hình mua, bán, xử lý nợ xấu với NHNN; thường xuyên, kịp thời công khai các hoạt động mua, bán, xử lý nợ xấu theo đúng quy định của pháp luật…
Nguồn DVO/SBV