Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: Giảm lãi suất, tăng niềm tin với tiền đồng
Năm 2015 dự kiến đồng USD sẽ tăng giá so với các tiền tệ khác. Ngân hàng Nhà nước dự kiến điều chỉnh tối đa là 2%, tuy nhiên trong 7 ngày đầu năm đã “ăn” mất một nửa (1%). Việc này nên hiểu sao, thưa Thống đốc?
Đồng đô la Mỹ không chỉ lên giá năm nay mà từ nửa sau của năm 2014 đã lên cao. Trong năm 2014, NHNN nói điều chỉnh tối đa 2% nhưng cuối cùng chỉ điều chỉnh 1%. Nếu đúng theo kinh tế thị trường, thực ra hoàn toàn có thể điều chỉnh thêm 1% nữa từ tháng 11, thế nhưng có mấy lý do để không điều chỉnh. Thứ nhất, năm 2014, NHNN mua vào ngoại tệ quá nhiều từ đầu năm, tiền Việt (VNĐ) đưa ra khá lớn cho nên cuối năm cần “thu” về một ít. Muốn thu bớt tiền về để chuẩn bị cho năm tới, NHNN đương nhiên sẽ chọn bán ngoại tệ ra chứ không điều chỉnh.
Thứ hai là, đối với doanh nghiệp (DN), đến tháng 11 là gần như họ sắp sửa về đích rồi mà cơ bản người ta đều đã có kế hoạch kinh doanh năm nay lời lỗ như thế nào. Thế bây giờ bỗng dưng “ông” NHNN điều chỉnh thì nhiều DN sẽ “bốc hơi” mất một số lợi nhuận, tự nhiên làm cho người ta khó khăn. Thôi thì duy trì ổn định để những gì người ta đã nghĩ, hoạch định và có kế hoạch giữ được.
Thứ ba, thị trường đừng có nghĩ nói maximum (tối đa) 2% là cứ phải 2% để rồi chưa điều chỉnh là cứ chờ điều chỉnh. Cần phải để thị trường thấy rằng người cầm quyền có tính độc lập riêng và thị trường phải khuất phục. Nếu để thị trường đoán được và đồn thổi thì sẽ tạo ra dư luận, từ đó gây sức ép cho nhà điều hành. Với ba lý do trên, NHNN đã quyết định không điều chỉnh mà bán ngoại tệ can thiệp để duy trì ổn định. Bước sang đầu năm 2015, chúng tôi mới quyết định điều chỉnh và như đã thấy, thị trường vẫn giữ được ổn định.
Tin vào VNĐ, người dân mới gửi tiền dài hạn
Đầu xuân, nhìn lại quá trình xử lý một loạt vấn đề nóng như: hạn chế vàng hóa và đô la hóa, tiến tới tiếp tục hạ lãi suất, Thống đốc thấy thế nào?
Về chính sách tiền tệ, nếu phát hành nhiều tiền thì lạm phát là đương nhiên. Thời điểm vài năm trước, tôi khẳng định chỉ có chính thị trường “cứu” được thị trường. Cùng nhìn lại nhé. Lúc bấy giờ thị trường có hai thứ: một là ngoại tệ được “găm” giữ quá nhiều; hai là giữ quá nhiều vàng. Chưa kể thời điểm đó, thị trường vẫn đang “âm mưu” tiếp tục mua vào ngoại tệ và vàng. Việc cần làm là chặn đứng vàng hóa và đô la hóa. Nhưng muốn chặn được thì phải tạo niềm tin vào đồng Việt Nam. Đầu tiên phải để lãi suất VNĐ hấp dẫn. Nếu thị trường người ta đã bảo lãi suất phải 15% thì cớ gì không để? Lãi suất 15%/năm quá “hoành tráng”. Thay vì mua đô la, mua vàng, người ta quay đầu sang gửi tiền Việt lãi cao. Khi thị trường dừng không mua đô và mua vàng nữa, cộng thêm các chính sách tác động khác (như quản lý vàng, hạ mạnh lãi suất tiền gửi USD), Ngân hàng Nhà nước mới đạt được mục tiêu “chặn” vàng hóa và đồng thời “ép” thị trường bán ngoại tệ ra. Khi tôi mới lên nhậm chức (tháng 8/2011), dự trữ ngoại hối có 7 tỷ đô la thôi; mà chỉ trong năm ấy mua mười mấy tỷ (tháng 9/2014 dự trữ ngoại hối ở mức kỷ lục hơn 35 tỷ đô la- PV).
Lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn giảm khá lý tưởng. Tuy nhiên trung và dài hạn vẫn bị “kêu” cao. Theo Thống đốc phải làm gì để về lâu dài, hạ được lãi suất các khoản vay này?
Về lãi suất, nếu để một nền kinh tế bất ổn về vĩ mô, lạm phát gia tăng, đừng đòi hỏi hệ thống ngân hàng có một lãi suất thấp và đặc biệt là không thể huy động được vốn trung và dài hạn. Lạm phát cao thì lãi suất ngắn hạn cũng phải cao; người dân sẽ không tin vào tiền đồng và chỉ gửi ngắn hạn thôi... Khi đó, chúng ta sẽ không có lãi suất trung và dài hạn, điều đó đồng nghĩa không có vốn cho trung và dài hạn và chỉ có vốn ngắn hạn. Trên góc độ điều hành việc của tôi phải làm cho lãi suất xuống và “đẩy” niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên. Có như thế thì dù có làm gì đi chăng nữa, lạm phát nhất định sẽ xuống.
Hệ thống tài chính: ngân hàng chiếm tỷ lệ quá lớn!
Gần đây chính sách tiền tệ có một sự giao thoa ngoài khu vực như là thị trường chứng khoán (TTCK). Đơn cử như đấu thầu trái phiếu Chính phủ (TPCP), chủ yếu là các NHTM tham gia. Về điều này, Thống đốc thấy sao?
Trên góc độ điều hành việc của tôi phải làm cho lãi suất xuống và “đẩy” niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên. Có như thế thì dù có làm gì đi chăng nữa, lạm phát nhất định sẽ xuống. UV TƯ Đảng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình |
Có hai ý. Thứ nhất về mặt bằng lãi suất phải hình thành ra một mặt bằng lãi suất ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đó là vấn đề rất quan trọng, vì từ đó sẽ quyết định đến đầu tư của hệ thống ngân hàng và đầu tư của thị trường vốn, nếu có. Thứ hai là các chủ trương đầu tư của ngân hàng đến giờ vẫn dẫn dắt các lĩnh vực đầu tư khác. Bên này (ngân hàng) có kìm tốc độ tăng trưởng tín dụng lại, mặt bằng lãi suất có ổn định, thì mới tạo ra mặt bằng lãi suất cho TTCK… Khi đó, bên kia (TTCK) nếu mua trái phiếu 3 năm người ta sẽ quay lại nhìn xem anh ngân hàng lãi suất bao nhiêu? Nếu lãi suất trái phiếu, cổ tức mà cao hơn thì người ta sẽ tính mua, còn thấp hơn sẽ cứ sang “anh” ngân hàng “em” gửi.
Trên cương vị điều hành Thống đốc cho biết luôn cố gắng nắn chỉnh lại sự lệch lạc của dòng vốn để phân bổ lại từ khu vực gửi tiết kiệm sang đầu tư. Nhưng để làm được điều đó không đơn giản?
Hệ thống tài chính ở Việt Nam chuyển từ bao cấp, từ kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường và gồm 3 lĩnh vực: ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Hiện, lĩnh vực ngân hàng lớn quá. Sau 20 năm đổi mới bức tranh thay đổi không đáng kể, thị trường ngân hàng bây giờ vẫn chiếm tới 80%, còn hai thị trường kia chiếm khoảng 20%. Như vậy về mặt thị trường, TTCK mới gọi là khởi sắc một chút (có lúc lên tới 1000 điểm rồi lại xuống quãng lưng chừng hiện VN- Index ở mức trên 500 điểm- PV). Tuy nhiên, điểm số không quan trọng mà quan trọng là sức khỏe và bước đi của nó như thế nào... Vấn đề ở chỗ vai trò của Nhà nước mà cụ thể ở đây là cơ chế chính sách trong TTCK còn mờ nhạt.
Không muốn một mình “ôm” trái phiếu chính phủ
Vậy nên sử dụng công cụ gì cho TTCK để huy động vốn lành mạnh lại thu hút giới đầu tư, theo Thống đốc?
Bất kỳ nước nào trên thế giới muốn phát triển thị trường này lành mạnh đều phải dựa vào TPCP. TPCP trước đây của ta quá ít, thế nhưng bây giờ khá nhiều rồi. Cứ xem nợ công của chúng ta tăng lên như thế nào thì trong đó tương xứng với phần TPCP tăng lên. Đã đến lúc phải xây dựng TPCP trở thành một công cụ của thị trường, tức là phải mua bán được. Mà muốn mua bán được thì TPCP phải có “chợ” để bán - mua thuận tiện và có giá hợp lý. Giá TPCP do thị trường quyết định và Nhà nước can thiệp, và chính qua đấy là cái giá của TTCK. Từ đó, hình thành mặt bằng lãi suất của TPCP qua các kỳ hạn, đấy là định hướng
cho TTCK.
Phải làm sao để tại thị trường TPCP mọi người đều có thể mua- bán?
Bây giờ hỏi có người dân nào mua được TPCP không? Có mấy doanh nghiệp mua TPCP không? Không có. Toàn ngân hàng mua TPCP. Thế có nghĩa là gì? Ngay cả cái thị trường vốn hiện nay ngân hàng vẫn giữ vị trí số 1. Cái này là quá dở! Thế rồi ai là người mua trái phiếu cuối cùng? Lại NHNN, bởi các NHTM mua xong rồi nếu thiếu thanh khoản lại đến mua chiết khấu của NHNN. Tiền cũng vẫn là mình, và rồi cuối cùng mình lại vẫn là mình. Bây giờ phải thay đổi để làm sao TPCP không phải chỉ có “ông” ngân hàng và “ông” Ngân hàng Trung ương biết mà toàn xã hội đều phải biết và tham gia. Phải thuyết phục được người dân, tổ chức thay vì gửi tiết kiệm chỉ vài phần trăm hãy mua trái phiếu này. Trước mắt là lãi suất hơn, sau nữa là nó được mua bán trên thị trường và có thể có lời. Có thế, mới tạo ra một thị trường sôi động. Cũng từ đó, hệ thống ngân hàng sẽ không phải “ôm” TPCP nữa hoặc “ôm” một phần nhất định thôi. Tự nhiên ta sẽ giải phóng ra một lượng tiền rất lớn để từ đó phục vụ tiếp cho nền kinh tế.
Hệ thống ngân hàng không thể sống mãi như thế này được. “Nó” là con trâu thì chỉ có sức của con trâu, không thể chất hàng lên như cho một con voi được. Đã đến lúc cần “san” bớt hàng sang thị trường chứng khoán. Phải để hệ thống ngân hàng trở về đúng với sức thì “nó” mới sống lâu, mới đi được đường dài.
Xin cảm ơn Thống đốc!
Nguồn Tiền phong