Thống đốc NHNN: Có cơ hội là giảm lãi suất
Ông Nguyễn Văn Bình tiếp tục khẳng định mạnh mẽ thông điệp trên của Ngân hàng Nhà nước trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đang diễn ra tại Hà Nội ngày 28/4.
Lãi suất ngân hàng vốn là vấn đề nóng của xã hội, nhất là đối với khối doanh nghiệp, cách đây chưa lâu. Mức lãi suất cho vay ở các loại hình hiện nay đã giảm (lãi suất huy động là 6%, lãi suất cho vay trên 8%, ở các lĩnh vực ưu đãi khoảng 7%) đã làm giảm đi sức ép từ dư luận đối với ngân hàng.
Chính vì sức nóng của vấn đề này ngoài xã hội đã giảm nên sự thôi thúc của khối tư nhân tại hội nghị cũng đã giảm, khi chỉ có 2 đại diện của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) mong muốn ngành Ngân hàng cải thiện vấn đề tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn và tiếp tục giảm lãi suất cho vay xuống nữa.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng yêu cầu của doanh nghiệp đối với ngành Ngân hàng là những nội dung xác đáng. Tuy nhiên, Thống đốc cũng nêu một thực trạng hiện nay, trong tổng dư nợ cho nền kinh tế thì dư nợ khối DNNVV chiếm 60% tổng dư nợ cả nước, nên có bất kỳ khó khăn gì trong hoạt động của DNVNN sẽ ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động các tổ chức tín dụng.
Các ngân hàng chậm cho doanh nghiệp vay vốn là một thực tế, khi việc cho vay các DNVVN còn ẩn chứa nhiều rủi ro đối với hệ thống ngân hàng. Nếu không đảm bảo chất lượng dự án thì nợ xấu sẽ tăng lên làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh chung.
Thống đốc cũng đồng tình với các ý kiến đại biểu khi lãi suất vẫn còn cao thì cần nhiều cơ chế khác hỗ trợ cho DNNVV. Qua khảo sát thực tế, ngành Ngân hàng đã kết nối với các doanh nghiệp thông qua sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Mô hình này đã diễn ra thành công tại Thành phồ Hồ Chí Minh. Ví dụ, doanh nghiệp cần lãi suất thấp hơn nữa nhưng ngân hàng không cố được và lúc này chính quyền vào cuộc, hỗ trợ doanh nghiệp thêm 2-3% lãi suất thì doanh nghiệp hoạt động được.
"Chúng tôi hứa sẽ có quỹ hỗ trợ DNNVV và định chế tài chính cho khối này. Nhưng trước mắt phải có sự phối hợp giữa ngân hàng và chính quyền địa phương các cấp", Thống đốc Bình nói.
Đối với vấn đề giảm lãi suất hơn nữa để đảm bảo khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài (vay vốn lãi suất thấp ở nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam), ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh phải phụ thuộc vào diễn biến của thị trường và kinh tế vĩ mô.
Hiện nay, cứ 10 đến 15 ngày/lần, NHNN trong khi theo dõi sát sao thị trường, nếu thấy có cơ hội giảm lãi suất thì sẽ giảm ngay, nhưng vẫn phải đảm bảo bền vững, ổn định, không "giật cục" để đảm bảo doanh nghiệp yên tâm tính toán đầu tư lâu dài.
Thông báo thêm về tình hình giảm lãi suất cho vay ở các khoản vay trước đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói bức tranh lãi suất đã thay đổi lớn khi mức lãi suất trên 13% của toàn hệ thống hiện chỉ chiếm 16% trên tổng dư nợ. Còn mức lãi suất trên 16% chỉ còn chiếm 5% tổng dư nợ. Ở các mức lãi suất này không có lĩnh vực sản xuất.
Mức lãi suất cho vay hiện nay trên 13% chủ yếu là ở lĩnh vực cho vay tiêu dùng, phù hợp với thông lệ để tránh tình trạng cho vay nặng lãi ở thị trường chợ đen.
Mức lãi suất trên 16% đang tồn tại trên thị trường thuộc lĩnh vực bất động sản. Trong số này, dự án bất động sản nào hiệu quả thì chủ đầu tư sẵn sàng vay lại tới 14-15% vì lợi nhuận của dự án cao hơn nhiều, miễn sao nguồn vốn ngân hàng cung cấp kịp thời, đáp ứng được nhu cầu đầu tư trung, dài hạn.
Với các doanh nghiệp không còn khả năng tồn tại, nhưng nếu có khả năng trả 1 phần nợ thì sẽ được xóa cả gốc lẫn lãi, còn nếu phạt thì chỉ gây thêm áp lực, nếu trả đúng hạn thì tổ chức tín dụng chỉ cần áp dụng đúng lãi suất cũ, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết thêm mặt bằng lãi suất cơ bản sẽ ổn định như hiện tại và có điều kiện sẽ giảm thêm nữa. Ban đầu, NHNN mong muốn cả năm nay giảm được 1,5-2% mặt bằng lãi suất cho vay của các loại kỳ hạn. Thanh khoản của ngân hàng đang rất tốt, khi thị trường cần thì ngân hàng sẵn sàng cung ứng để đảm bảo không thiếu vốn…
Nguồn Chinhphu.vn