Thống đốc: Nhiệm kỳ này có thể đưa nợ xấu về ngưỡng an toàn dưới 3%
Thống đốc khẳng định, trong nhiệm kỳ này có thể đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn theo thông lệ quốc tế khoảng dưới 3%.
Trong phiên trả lời chất vấn, Thống đốc cũng cho biết, với tỷ lệ nợ xấu hiện nay không đến mức độ "hốt hoảng".
Thống đốc dẫn giải, vào thời điểm năm 1998 khi chúng ta xử lý TCTD lần 1, tỷ lệ nợ xấu là khoảng 10,11% nhưng lúc đó nợ xấu thật, lúc đó chúng ta chưa hình thành thị trường mua bán tài sản, các văn bản quy định các tài sản thế chấp chưa rõ ràng nên chúng ta gặp nhiều khó khăn.
Hiện nợ xấu khoảng 8,6-10% nhưng các TCTD đã trích lập dự phòng tín dụng 70.000 tỷ, trong đó 84% nợ xấu có tài sản đảm bảo, tương đương 130% giá trị các khoản nợ. "Nếu chúng ta có cơ chế thì sẽ đưa được nợ xấu về mức thấp nhất", Thống đốc nói.
Trước câu về trách nhiệm của NHNN và cá nhân Thống đốc khi để xảy ra nợ xấu cao và một số sai phạm trong hệ thống, Thống đốc thừa nhận một trong những nguyên nhân nợ xấu cao có xuất phát từ Ngân hàng Nhà nước khi chưa thanh tra giám sát hiệu quả.
Thống đốc cũng cho biết doanh nghiệp cũng “góp phần” tạo nên nợ xấu do tài chính của doanh nghiệp phần lớn là yếu kém, khả năng xây dựng kế hoạch hạn chế, sử dụng nguồn vốn không hợp lý.
Về câu hỏi tỷ lệ nợ xấu của tổ chức tín dụng đến mức bao nhiêu sẽ bị đưa vào kiểm soát, Thống đốc cho biết, nếu tỷ lệ nợ xấu theo đánh giá của NHNN từ 16% trở lên thì TCTD đó thuộc diện đưa vào kiểm soát đặc biệt. Nhưng đó chỉ là một trong các tiêu chí đánh giá bởi đôi khi không chỉ vì nợ xấu vượt 16% mà đặt TCTD vào diện kiểm soát đặc biệt, do như vậy coi như “khai tử” TCTD đó vì niềm tin của dân chúng giảm sút.
Liên quan đến việc tại sao có tổ chức tín dụng yếu kém thì NHNN lại không cho phá sản, Thống đốc khẳng định, trong giai đoạn hiện nay không để tổ chức nào phá sản.
Nguồn Khampha