Thống đốc Nguyễn Văn Bình ủng hộ xây dựng luật riêng cho VAMC
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, ba năm vừa qua hệ thống ngân hàng đã xử lý được 53,6% trong tổng số nợ xấu 464 nghìn tỷ đồng ở thời điểm 9/2012. NHNN cũng đã hình thành cơ chế chính sách trong vấn đề xử lý nợ xấu.
Thay vì che giấu nợ xấu, tránh trích lập dự phòng để chia cổ tức, các tổ chức tín dụng hiện nay đã tham gia tích cực vào xử lý nợ xấu, NHNN cũng giám sát chặt chẽ hơn hoạt động của các ngân hàng, khi xác định được các nguồn lợi nhuận của ngân hàng là đúng đắn thì mới cho phép các ngân hàng tiến hành chia cổ tức.
Mức trích lập dự phòng rủi ro của hệ thống ngân hàng thời gian qua là 70 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Trong 3 năm qua, trong tổng số 249 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã xử lý, ngoại trừ 86 nghìn tỷ đồng nợ xử lý quá VAMC thì số còn lại được xử lý nhờ trích lập dự phòng rủi ro của chính các ngân hàng.
Thống đốc cũng cho biết, đến hết tháng 7 năm nay, tổng mức trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng trong hệ thống đã là 78 nghìn tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho các khoản nợ xấu cũng có giá trị gấp hai lần giá trị nợ xấu. Đây là kết quả hết sức tích cực trong thời gian qua.
Lý giải nguyên nhân nợ xấu thường tăng cao trong các tháng trong năm, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chỉ ra hai nguyên nhân. Thứ nhất, các tổ chức tín dụng thường tập trung xử lý nợ xấu vào thời điểm cuối năm khi đã tính toán được lỗ, lãi, phần trích lập dự phòng... nên đến thời điểm 31/12 tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm xuống nhờ các ngân hàng tiến hành trích lập dự phòng, giải quyết nợ xấu.
Một nguyên nhân nữa được Thống đốc lý giải là do tháng 6 vừa qua, NHNN đã áp dụng Thông tư 02, 09 nâng tầm phân loại nợ, yêu cầu trích lập dự phòng rủi ro chặt chẽ hơn nên nợ xấu cũng có phần tăng lên.
Đến tháng 7/2014, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các ngân hàng là 4,11%, tuy nhiên theo số liệu giám sát của NHNN thì tỷ lệ nợ xấu là 8%. Thống đốc cho biết, dự báo tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm khoảng 3% và theo số liệu giám sát của NHNN thì sẽ ở quanh 6%.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng, những kết quả mà VAMC đạt được trong 1 năm qua là cố gắng rất lớn của VAMC và các đơn vị liên quan trong điều kiện không sử dụng vốn ngân sách để xử lý nợ xấu.
Qua quá trình hoạt động, NHNN cũng đã liệt kê được những khó khăn về mặt pháp lý đối với VAMC, với báo cáo được Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết lên tới 29 trang, dự kiến sẽ trình quốc hội xem xét. NHNN cũng liệt kê tất cả các văn bản có nội dung mâu thuẫn với hoạt động của VAMC để điều chỉnh.
Trả lời câu hỏi có cần phải có luật riêng cho VAMC, Thống đốc ủng hộ cần tiền tới xây dựng bộ luật cho VAMC. Tuy nhiên Thống đốc cho rằng trong thời gian cấp bách thì khó xây dựng được ngay luật như vậy nên phải thực hiện cả các bước đi ngắn và dài hạn. Thực tế ở các nước có công ty xử lý nợ thì đều có luật riêng cho công ty xử lý nợ này.
Với năng lực tài chính rất nhỏ bé so với quy mô nợ xấu toàn hệ thống hiện nay, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết cần nâng cao năng lực tài chính cho VAMC và cơ bản đã được Chính phủ thông qua tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ lên 2.000 tỷ đồng. Theo Thống đốc, nếu chỉ cần có 10% GDP thì ngay lập tức có thể giải quyết vấn đề nợ xấu, không cần phải chờ đợi.
Trả lời chất vấn về việc tại sao liên tục hoãn thi hành TT 02, Thống đốc phát biểu ví von: "Chúng ta bắt bệnh cũng đúng, chữa bệnh cũng trúng, liều lượng thì biết là phải sử dụng liều lượng gì nhưng còn phải phù thuộc vào sức khỏe của con bệnh. Nếu liều lượng không đúng thì chưa chết vì bệnh đã chết vì thuốc". Theo ông, cần phải đưa ra một liều lượng đúng cho hệ thống ngân hàng Việt Nam và việc lùi thời gian thực hiện TT 02 là phù hợp với sức khỏe của các tổ chức tín dụng ở thời điểm này, để họ biết mục tiêu phải hướng tới đâu và tiền tới đạt được các yêu cầu chuẩn mực quốc tế.
Nguồn Theo DVO