Thống đốc: “Mục tiêu 2015 rất áp lực, nhưng khả thi”
Chiều 10/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015. Trong đó, một số chỉ tiêu lớn gắn chặt và nêu rõ yêu cầu đối với việc điều hành chính sách tiền tệ và quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Có thể thấy, đó là những mục tiêu, yêu cầu cao hơn so với những gì dự kiến thực hiện được trong năm nay. Nếu thực hiện được, 2015 sẽ là một năm chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và xử lý nợ xấu.
Trao đổi với VnEconomy ngày 11/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tin tưởng có thể thực hiện tốt các mục tiêu đề ra cho ngành.
“Nợ xấu tăng không phải là bất ngờ”
Lần đầu tiên mục tiêu giảm nợ xấu với con số rất cụ thể được đặt ra tại Nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, năm 2015 Ngân hàng Nhà nước phải phấn đấu giảm được nợ xấu về dưới 3%. Thống đốc nói gì về khả năng hoàn thành mục tiêu này?
Thời gian qua, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, ngành ngân hàng đã tích cực, chủ động triển khai các giải pháp tự xử lý nợ xấu và bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Những kết quả đó, vừa qua tôi cũng đã thay mặt ngành báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như qua trả lời chất vấn của các đại biểu.
Do vậy, Ngân hàng Nhà nước tin tưởng rằng với nỗ lực xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành và tình hình kinh tế vĩ mô dự báo sẽ tiếp tục cải thiện trong năm 2014 và 2015, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bớt khó khăn, thị trường bất động sản phục hồi, thì chúng ta có thể thực hiện được mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% đến cuối năm 2015.
Thế nhưng năm tới, cơ chế cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm chấm dứt, Thông tư 09 với yêu cầu phân loại nợ và trích lập dự phòng khắt khe hơn, dự kiến nợ xấu theo đó sẽ được xác định sát thực hơn, minh bạch hơn và có thể tăng lên. Điều này sẽ gây áp lực lên mục tiêu giảm được về dưới 3% nói trên như thế nào, nhất là khi không dùng nguồn lực ngân sách để xử lý?
Với Thông tư 09 thì chúng ta đã biết, từ tháng 6/2014, một số quy định chặt chẽ hơn đã được áp dụng. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng đã tăng, nhưng tôi xin nói rằng đây không phải là yếu tố bất ngờ, mà nằm trong sự tính toán và chủ động của Ngân hàng Nhà nước trong quá trình xây dựng và ban hành các quy định mới về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro.
Những quy định mới đó được xây dựng theo hướng thắt chặt, có lộ trình, nhằm đánh giá chính xác, minh bạch hơn tình hình nợ xấu, chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng.
Chúng tôi cũng dự tính nợ xấu có thể tăng lên trong năm 2015 khi các quy định chặt chẽ về phân loại nợ được áp dụng đầy đủ. Do đó, dù đã xử lý được một lượng lớn nợ xấu trong thời gian qua, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để xử lý.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đề nghị các bộ, ngành liên quan chủ động, tích cực phối hợp với ngành ngân hàng trong việc triển khai các giải pháp đồng bộ để góp phần đẩy nhanh xử lý nợ xấu và kiềm chế nợ xấu gia tăng trong thời gian tới.
Nghị quyết của Quốc hội vừa thông qua cũng yêu cầu gắn xử lý nợ xấu với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Ông có thể cho biết định hướng và mục tiêu triển khai sự kết hợp này trong năm tới?
Trong quá trình thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước luôn xác định xử lý nợ xấu là một trong những cấu phần quan trọng nhất khi thực hiện cơ cấu lại hệ thống ngân hàng.
Thời gian qua, việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng yếu kém luôn gắn liền với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng này. Do vậy, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu, gắn với xử lý nợ xấu.
Đó là tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại, xử lý nợ xấu hệ thống các tổ chức tín dụng theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 254/QĐ-TTg và đề án xử lý nợ xấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013.
Thứ hai, tiếp tục chỉ đạo triển khai và thực hiện công tác thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên đề chất lượng tín dụng và kiểm toán bắt buộc chất lượng tín dụng theo đúng quy định, yêu cầu, nội dung đặt ra để đánh giá đúng thực trạng nợ xấu, từ đó có giải pháp xử lý phù hợp.
Thứ ba, tăng cường công tác giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời những sai phạm để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Cũng như trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường giám sát, phân tích và đánh giá thường xuyên việc chấp hành các tỷ lệ, giới hạn an toàn của các tổ chức tín dụng, trọng tâm là mức độ đủ vốn, mức vốn điều lệ thực, tỷ lệ sở hữu ngân hàng, rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng... để cảnh báo sớm rủi ro và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Thứ tư là tăng cường quản lý và thực hiện chặt chẽ, thận trọng về công tác cấp phép, mở rộng mạng lưới ngân hàng thương mại theo chủ trương của Chính phủ và quy định của Ngân hàng Nhà nước, gắn với việc thực hiện đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và kế hoạch rà soát mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn hai luật về ngân hàng, các văn bản pháp lý hỗ trợ cho đổi mới công tác thanh tra, giám sát và thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu.
“Không thể chủ quan với lạm phát”
Ngoài các yêu cầu trên, Nghị quyết của Quốc hội đã xác định mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 5%. Liệu đây có phải là một mục tiêu tham vọng và chính sách tiền tệ sẽ thực hiện như thế nào để đảm bảo hoàn thành?
Đến thời điểm này có thể thấy rằng, trong năm 2014, với việc thực thi đồng bộ các giải pháp của Chính phủ nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý, trong đó có chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, lạm phát tiếp tục ổn định ở mức thấp và dự kiến cả năm có thể đạt thấp hơn mức 5%.
Cùng đó, tăng trưởng kinh tế đã có những cải thiện tích cực so với cùng kỳ các năm trước, cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư ở mức cao, thị trường tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng ổn định.
Đó cũng là các kết quả đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Gần đây các tổ chức xếp hạng Moody’s, Standard&Poor và Fitch Ratings đã nâng mức xếp hạng của Việt Nam lên một bậc nhờ các thành công đạt được trong kiểm soát lạm phát, ổn định hệ thống ngân hàng và kinh tế vĩ mô trong thời gian qua.
Tuy nhiên, chúng ta không thể chủ quan với diễn biến của lạm phát.
Mục tiêu lạm phát 5% của năm 2015 là mức tương đối thấp so với các năm gần đây, do đó đòi hỏi các chính sách vĩ mô phải được thực hiện theo hướng thận trọng, linh hoạt có sự phối hợp chặt chẽ để kiểm soát lạm phát, nhưng đồng thời tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và góp phần tăng trưởng kinh tế.
Đối với chính sách tiền tệ, nhiệm vụ trọng tâm chúng tôi xác định là điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều tiết lãi suất thị trường ở mức hợp lý, góp phần ổn định thị trường tiền tệ; điều hành tỷ giá linh hoạt, đảm bảo ổn định giá trị đồng Việt Nam và tăng dự trữ ngoại hối; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách quản lý ngoại hối theo hướng chống đô la hóa và vàng hóa, hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.
Với tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai các giải pháp gắn với chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực để đáp ứng vốn cho nền kinh tế đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng.
Còn với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,2% trong năm mà nghị quyết đề ra, cao hơn năm nay. Chính sách tiền tệ sẽ hướng tới mục tiêu này như thế nào, nhất là xét về nguồn lực tín dụng, theo ông?
Bám sát mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng không chủ quan với lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc cũng như an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế vẫn đang tiếp tục, theo tôi thì mục tiêu tăng trưởng 6,2% của năm 2015 là mức tương đối cao. Vì vậy, cần có sự triển khai đồng bộ các giải pháp chính sách vĩ mô của các bộ, ngành để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế theo mục tiêu nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề ra.
Xin được hỏi Thống đốc một câu về cá nhân: việc thực hiện những mục tiêu đó, đối với ông áp lực như thế nào?
Việc thực hiện tốt những mục tiêu đó là rất áp lực, đòi hỏi phải rất nỗ lực. Tuy nhiên, Quốc hội đã xác định một cách chặt chẽ, và đây là những mục tiêu khả thi.
Nguồn VnEconomy