Thống đốc lý giải nợ xấu cao
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, nguyên nhân chủ quan dẫn tới nợ xấu tăng cao là từ năng lực thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước trong một thời gian dài còn hạn chế.
Thống đốc Bình lý giải, nguyên nhân số liệu giám sát của Ngân hàng Nhà nước cao hơn so với báo cáo của các tổ chức tín dụng là do: Ngân hàng Nhà nước thực hiện chuyển nhóm nợ theo đúng quy định hiện hành trong khi một số tổ chức tín dụng thực hiện phân loại nợ, ghi nhận nợ xấu trong báo cáo tài chính thấp hơn thực tế để giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro.
Các tiêu chí phân loại nợ theo quy định hiện hành có bao gồm tiêu chí định lượng và tiêu chí định tính. Quy định này phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng do năng lực quản trị rủi ro của các tổ chức tín dụng không đồng đều, nên việc sử dụng các tiêu chí định tính trong phân loại nợ có thể dẫn đến sự khác nhau về nhóm nợ khi xác định và ghi nhận nợ xấu của tổ chức tín dụng.
Nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng tăng nhanh trong thời gian cũng được ông Bình diễn giải cụ thể.
Đưa con số trong giai đoạn 2008 - 2011, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng bình quân là 26,56% nhưng tốc độ tăng trưởng nợ xấu bình quân ở mức 51%, Thống đốc lý giải nguyên nhân từ cuối năm 2008, do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nên môi trường kinh doanh trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh đã làm cho chất lượng tín dụng suy giảm và nợ xấu tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng.
Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, tổng cầu của nền kinh tế giảm mạnh, tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho lớn, thị trường bất động sản đóng băng, năng lực tài chính của doanh nghiệp giảm sút... làm cho tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2011 chậm lại đáng kể và trong 7 tháng đầu năm 2012 chỉ tăng 1,02% nhưng nợ xấu tăng tới 45,5%.
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến ngày 31/5/2012, nợ xấu của hệ thống là 117.723 tỷ đồng, chiếm 4,47% so với tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước là 54,6 ngàn tỷ đồng, chiếm 3,96% dư nợ tín dụng của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước. Nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 41 ngàn tỷ đồng, chiếm 4,54% dư nợ tín dụng của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, Thống đốc Bình cho biết.Còn theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/3/2012 nợ xấu của các tổ chức tín dụng là 202.099 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ cấp tín dụng. Trong đó, nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước là 125,8 ngàn tỷ đồng, chiếm 10,37% dư nợ cấp tín dụng của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước; nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 60,9 ngàn tỷ đồng, chiếm 5,8% dư nợ tín dụng của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần. |
Ở nguyên nhân chủ quan, theo Thống đốc Bình, công tác quản trị, điều hành hoạt động tín dụng của một số tổ chức tín dụng còn bất cập. Như việc thẩm định, quyết định cho vay, kiểm tra sử dụng vốn vay, giám sát tình hình sản xuất kinh doanh của khách hàng chưa tuân thủ đúng quy định. Công tác phân tích, đánh giá, phân loại khách hàng, lĩnh vực kinh doanh chưa sát với thị trường để có biện pháp ứng xử kịp thời.
Việc đánh giá tài sản đảm bảo cao hơn giá trị thực tế, nhận tài sản đảm bảo không đầy đủ tính pháp lý, có tranh chấp dẫn tới tình trạng khó xử lý, phát mại hoặc phát mại được thì giá trị thu hồi thấp. Một số tổ chức tín dụng áp dụng chiến lược tăng trưởng tín dụng nhanh trong khi năng lực quản trị rủi ro còn nhiều hạn chế và chậm được cải thiện, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần chuyển đổi từ nông thôn lên đô thị dẫn đến nợ xấu tăng nhanh hơn dư nợ tín dụng...
Nguyên nhân tiếp theo được nhìn nhận là trong những năm gần đây, các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng cổ phần liên tục tăng vốn điều lệ dẫn đến sức ép tăng trưởng tín dụng để đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Nhiều tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng năm quá cao (trên 50%), trong khi khả năng về quản trị rủi ro, giám sát vốn vay còn bất cập.
Bên cạnh đó, năng lực thanh tra, giám sát của NHNN trong một thời gian dài còn hạn chế, chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm và rủi ro trong hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng, nhất là các vi phạm quy định về hạn chế cấp tín dụng và việc đầu tư quá mức vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.
Nguồn Vneconomy