Thống đốc đưa ra các giải pháp xử lý nợ xấu
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến ngày 31/5/2012, nợ xấu của hệ thống là 117.723 tỷ đồng, chiếm 4,47% so với tổng dư nợ tín dụng.
Trong đó, nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước là 54,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,96% dư nợ tín dụng của nhóm này. Nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 41 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,54% dư nợ tín dụng của nhóm.
Còn theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/3/2012, nợ xấu của các tổ chức tín dụng là 202.099 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ cấp tín dụng.
Trong đó, nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước là 125,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,37% dư nợ cấp tín dụng của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước; nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 60,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,8% dư nợ tín dụng của nhóm.
Theo Thống đốc, nợ xấu lớn và có chiều hướng tăng nhanh trong hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay đang tác động tiêu cực đến điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và tính an toàn, hiệu quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng.
Về vấn đề thành lập công ty mua bán nợ thuộc Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước đang tập trung rà soát, đánh giá thực trạng nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng để xây dựng Phương án tổng thể xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng, trình Chính phủ quyết định trong thời gian sớm nhất.Việc thành lập Công ty mua bán nợ cũng đang được Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trong khuôn khổ phương án tổng thể xử lý nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước sẽ báo cáo Đại biểu Quốc hội vấn đề này sau khi được Chính phủ cho ý kiến. |
Thứ hai, nợ xấu lớn, tăng nhanh dẫn đến các chi phí dự phòng rủi ro phải trích lập lớn làm tăng chi phí hoạt động và giảm hiệu quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng. Vì vậy, tổ chức tín dụng có xu hướng giảm lãi suất cho vay chậm hơn lãi suất huy động. Một bộ phận tổ chức tín dụng có nợ xấu lớn đã đẩy mạnh huy động vốn trên thị trường làm chậm quá trình giảm lãi suất trong thời gian qua.
Các chỉ số ROA và ROE của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng trong 5 tháng đầu năm 2012 chỉ bằng hơn 50% của cùng kỳ năm 2011 (5 tháng đầu năm 2011, ROA của hệ thống là 0,66%; ROE là 6,87%, trong khi 5 tháng đầu năm 2012, ROA là 0,34% và ROE là 3,48%).
Thứ ba, nợ xấu lớn gắn liền với giảm/thiếu thanh khoản cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm hạn chế khả năng cấp tín dụng của tổ chức tín dụng cho nền kinh tế trong các tháng đầu năm 2012. Khách hàng có nợ xấu, nợ quá hạn tại các tổ chức tín dụng cũng gặp khó khăn hơn trong việc vay mới tại tổ chức tín dụng. Do đó, trong những tháng đầu năm 2012 dư nợ của hệ thống các tổ chức tín dụng tăng không đáng kể.
Tính đến ngày 30/7/2012, tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 1,02% so với 31/12/2011.
Trước những vấn đề trên, Thống đốc đưa ra một số giải pháp xử lý nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước cũng đã và đang chỉ đạo triển khai đồng bộ một số giải pháp.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện đúng các quy định của pháp luật về hoạt động cho vay, tỷ lệ an toàn vốn và giới hạn cấp tín dụng, không cho vay mới để trả nợ cũ với mục đích che giấu nợ cũ.
Yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động phối hợp với khách hàng vay để thực hiện việc đánh giá chất lượng và khả năng thu hồi các khoản nợ để có biện pháp xử lý phù hợp, như: Cơ cấu lại nợ một cách cách hợp lý để giảm khó khăn tài chính tạm thời cho doanh nghiệp, trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo quy định, thực hiện tốt việc mua bán nợ.
Trường hợp tổ chức tín dụng có nhu cầu chào mua, bán các khoản nợ nhưng chưa tìm được bên bán nợ/bên mua nợ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tổng hợp, báo cáo để Ngân hàng Nhà nước thông tin, khuyến nghị các tổ chức tín dụng khác tham gia mua/bán.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua giảm lãi suất tiền vay đối với cả lĩnh vực ưu tiên và các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác.
Rà soát, hoàn thiện các quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro phù hợp hơn với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam, đồng thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về cấp tín dụng và an toàn hoạt động ngân hàng nhằm tăng cường khả năng phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng.
Tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát ngân hàng để bảo đảm các tổ chức tín dụng tuân thủ đúng các quy định về hoạt động ngân hàng, đặc biệt là quy định về cấp tín dụng, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro và quy định về an toàn hoạt động tín dụng.
Thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển thông qua ban hành và triển khai có hiệu quả các quy định, chính sách về mua bán nợ.
Về phía các tổ chức tín dụng, chủ động phối hợp với khách hàng vay để cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ và xem xét giảm lãi suất một cách hợp lý cho khách hàng có khó khăn tài chính tạm thời, có chiều hướng cải thiện sản xuất kinh doanh tích cực, được đánh giá có khả năng trả nợ theo thời gian cơ cấu lại nợ.
Tăng cường trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ bán, xử lý các tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu để thu hồi vốn.
Đối với khách hàng là doanh nghiệp mà ngân hàng đánh giá là có triển vọng phát triển, ngân hàng có thể sử dụng biện pháp chuyển nợ thành vốn góp vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để triển khai một số giải pháp hỗ trợ khác như triển khai các chương trình tín dụng phù hợp, đẩy nhanh tiến độ giải phóng hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản hướng dẫn các quy định về xử lý tài sản bảo đảm, chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án có liên quan đến hoạt động ngân hàng để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ, giảm nợ xấu và có cơ sở để mở rộng tín dụng cho nền kinh tế;
Tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp sắp xếp, đổi mới và cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước gắn với việc xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp này;
Phối hợp với các địa phương hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi nhanh, quản lý chặt chẽ và bảo đảm thị trường này phát triển lành mạnh.
Nguồn Khampha