Thứ Sáu | 08/06/2012 16:32

Thống đốc: Đã thông qua phương án xử lý 2 trong 9 ngân hàng yếu kém

Trong thời gian tới, mỗi tuần sẽ thông qua 2 đề án xử lý 7 ngân hàng yếu kém còn lại, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết.
Phát biểu trước Quốc hội chiều nay (8/6), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, ngay từ tháng 2, NHNN đã bắt tay vào xây dựng đề án tái cấu trúc và được Thủ tướng Chính phủ thông qua.

Đề án đặt trọng tâm giai đoạn từ nay đến 2015 và chia thành 2 nhóm, nhóm những tồn tại cần xử lý ngay và những tồn tại xử lý dài hạn và chia các ngân hàng thành ngân hàng TMCP Nhà nước, nước ngoài và ngân hàng TMCP trong nước, tổ chức tài chính vi mô...

Những nội dung tái cơ cấu trong 2012 sẽ hướng vào xử lý các ngân hàng đặc biệt yếu kém.

"Trong năm nay sẽ xử lý 9 ngân hàng yếu kém. NHNN đã tiến hành thanh tra, kiểm toán đọc lập với 9 ngân hàng này và hiện đã có phương án xử lý. Trong tuần qua, thường trực Chính phủ đã thông qua đề án xử lý 2 trong 9 ngân hàng này, và mỗi tuần tới sẽ thông qua 2 đề án", ông Bình nói.

Trong quá trình tái cấu trúc, NHNN chia thành 2 tiêu chí. NHNN ưu tiên việc hợp nhất tự nguyện, trường hợp không đưa ra đề án thì NHNN mới tham gia.

Thứ hai là ngân hàng có chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh nên có kế hoạch hợp nhất, sáp nhập với ngân hàng khác.

Về nguồn lực tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, theo Thống đốc, sẽ có 3 công cụ như sau.

Thứ nhất, kêu gọi nguồn vốn của mọi thành phần kinh tế trong nước.

Thứ hai, kêu gọi nguồn lực đầu tư từ tổ chức nước ngoài. Theo Thống đốc, thời gian qua có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đề nghị tham gia, nhưng NHNN có tiêu chí là khi tổ chức trong nước không tham gia thì mới giao cho nước ngoài.

Thứ ba, có sự tham gia của Nhà nước.

Theo ông Bình, trong công cụ này sẽ có 2 phương án. Phương án đầu tiên là dựa trên cơ sở Luật các Tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 2011 thì NHNN được tham gia góp vốn mua cổ phần của các tổ chức tín dụng yếu kém. Đây là cơ sở để NHNN tham gia vào ban điều hành các tổ chức tín dụng yếu kém, khôi phục lại các tổ chức đó, sau đó kêu gọi các nhà đầu tư mua lại để hoàn lại vốn của Nhà nước.

Phương án thứ 2 là thành lập công ty mua bán nợ để xử lý nợ trong quá trình tái cơ cấu.

"Với các giải pháp này, nếu phối hợp nhịp ngành sẽ xử lý được quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng", người đứng đầu ngành ngân hàng khẳng định.

Nguồn DVT


Sự kiện