Chủ Nhật | 10/02/2013 14:24

Thống đốc: Chưa bao giờ ngành ngân hàng phải đối mặt với nhiều luồng dư luận như vừa qua

Theo Thống đốc Bình, thời gian qua NHNN đưa ra chính sách nào, lập tức gặp phải lực cản ngay mà câu chuyện siết lại thị trường vàng là một ví dụ.
Năm 2012 là năm vô cùng khó khăn của nền kinh tế, trong đó có ngành ngân hàng. Nhưng đây cũng là năm Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những hành động quyết liệt để lập lại ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Cũng trong năm qua, tỷ giá được giữ ở mức ổn định và lãi suất đã giảm góp phần gỡ khó cho doanh nghiệp.

Nhân dịp đầu xuân năm mới, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã có trao đổi về những gì ông đang làm, sẽ làm và một số định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2013.

Thưa Thống đốc, năm 2012 là một năm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng các chuyên gia cũng cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong năm qua đã có những hiệu ứng tích cực. Ông có sự nhìn nhận như thế nào về điều này?

Tôi cho rằng, tín hiệu vui của năm qua là chúng ta đã kiềm chế được lạm phát, lãi suất giảm dần theo tín hiệu của chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Nếu như năm 2011, CPI là 18,3% thì năm 2012 kiềm chế ở mức chưa đến 7%.

Các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ đã giúp cán cân thanh toán thặng dư; thị trường tiền tệ ổn định, tỷ giá ổn định vững, tạo lập lòng tin với nhà đầu tư nước ngoài; lãi suất giảm nhanh về ngang bằng năm 2007 (mức 8%). Đặc biệt lòng tin của người dân vào VND được củng cố. Chính sách tín dụng đã có nhiều sự chuyển hướng tích cực, dư nợ hướng mạnh vào khu vực sản xuất.

Nhờ các chủ trương điều hành của Nhà nước được thể hiện nhất quán nên hiệu quả sử dụng của đồng vốn đã cải thiện hơn trước. Nếu như trước đây, 4 - 5 đồng vốn tăng lên mới được 1 đồng tăng trưởng thì nay khoảng cách giữa tăng trưởng kinh tế và tín dụng đã thu hẹp. Năm 2012, tăng trưởng tín dụng là 7%, tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hơn 5%, điều đó cho thấy hiệu quả của đồng vốn với nền kinh tế là rất lớn.

Đối với việc tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, bước đầu NHNN đã đạt được các kết quả quan trọng, đánh giá đúng thực trạng tổ chức tín dụng, thanh khoản được củng cố, vượt qua thách thức ngay cả khi có những xáo trộn lớn trên thị trường.
Một số vấn đề như lập lại trật tự thị trường vàng, tái cấu trúc ngân hàng, xử lý nợ xấu có phần chậm trễ và chưa nhận được sự đồng thuận của dư luận, ý kiến của Thống đốc về những vấn đề này?

Theo tôi, ý kiến này vừa đúng vừa không đúng. Đúng là nợ xấu được xử lý nhanh là tốt nhưng trong bối cảnh của Việt Nam thì không thể được. Chẳng hạn ở Mỹ, Chính phủ nước này có nguồn lực tài chính lớn nên bỏ ra một khoản tiền lớn mua hết các khoản nợ xấu, cơ quan quản lý thì nắm danh mục các khoản nợ.

Ở Việt Nam thì không thể áp dụng cách thức đó. Trong hoàn cảnh “cái khó bó cái khôn”, việc xử lý nợ xấu của Việt Nam cam go hơn nhưng chúng ta xử lý như hiện nay là khá quyết liệt. Đến nay các ngân hàng đã xử lý được 39.000 tỷ đồng.

Một vấn đề rất quan trọng khác là chưa bao giờ ngành ngân hàng phải đối mặt với nhiều luồng dư luận khác nhau như thời gian qua. NHNN đưa ra chính sách nào, lập tức gặp phải lực cản ngay mà câu chuyện siết lại thị trường vàng là một ví dụ. Chúng tôi biết là sẽ bị phản đối quyết liệt nhưng không làm không được. Bởi con đường đã đi thì phải đi, đích đến vẫn phải đến.

Hay như câu chuyện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Khi NHNN bắt đầu thực hiện tái cấu trúc hệ thống rất nhiều người đã nhiệt tình ủng hộ. Thế nhưng khi động đến những nơi, chỗ cần phải xử lý thì “rút dây mới động rừng”. Tôi biết đó là cuộc chiến khủng khiếp và không chỉ của năm nay mà còn dai dẳng cả một giai đoạn tiếp theo.

Là người làm chính sách, điều quan trọng nhất với họ chính là đạt được mục tiêu mà mình muốn hướng tới. Nhưng để có được kết quả đó, chúng tôi phải chịu rất nhiều áp lực.

Nói thật lòng, một năm qua, NHNN đưa ra khá nhiều chính sách, có nhiều ý kiến ủng hộ nhưng cũng có những ý kiến nghi ngờ và phản bác. Trong tình huống đó, người lái tàu phải vững tay.
Thống đốc dự đoán năm 2013 sẽ diễn ra như thế nào?

Chắc chắn sẽ bớt áp lực hơn vì các kế hoạch đã triển khai và tôi tin chắc, kết quả sẽ diễn ra như kỳ vọng.

Trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2012 và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 được Quốc hội thông qua, NHNN đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2013 như: Điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đảm bảo kiểm soát lượng tiền cung ứng phù hợp với định hướng điều hành tổng phương tiện thanh toán, tín dụng, nhằm thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ; kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2013 khoảng 12% nhưng linh hoạt điều chỉnh theo diễn biến và tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phù hợp với quan hệ cung - cầu ngoại tệ trên thị trường, các cân đối vĩ mô, diễn biến cán cân thanh toán quốc tế; tiếp tục tổ chức, sắp xếp chặt chẽ thị trường vàng, chuyển hóa hoàn toàn quan hệ huy động và cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ mua, bán vàng.

Nguồn Vietnam+


Sự kiện