Thứ Ba | 13/11/2012 10:56

Thống đốc: Chống vàng hóa bước đầu đã tạo ra nguồn tiền phục vụ nền kinh tế

Thống đốc cho biết, trong 5 tháng đến 25/10, có khoảng 60 tấn vàng (tương đương 3 tỷ USD) được chuyển hóa thành tiền phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Sáng ngày 13/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trả lời trước quốc hội về các vấn đề như nợ xấu, quản thị trường vàng, tái cơ cấu ngân hàng...

Về chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới trong thời gian qua và biện pháp xử lý, Thống đốc khẳng định, hiện nay có một thực tế là giá vàng trong nước có chênh lệch lớn với thế giới nhưng không ảnh hưởng tới vĩ mô, vàng cũng không phải phải mặt hàng thiết yếu, thuộc đối tượng bình ổn giá nên không có lý do gì để phải bình ổn giá vàng.

Thống đốc dẫn chứng, trước đây mỗi khi giá vàng trong nước có tăng mạnh tạo ra chênh lệch với giá thế giới đã gây ra nhiều biến động vĩ mô tác động thông qua tỷ giá khi mà vàng trong nước cao hơn thế giới (chỉ cần khoảng 400.000 đồng) thì đã dẫn tới buôn lậu qua biên giới với quy mô lớn.

Trước khi thông tư 20 quy định về mua bán ngoại tệ tiền mặt được ban hành, có khoảng 10 - 30 tấn vàng buôn lậu mỗi năm. Mỗi lần chênh lệch, đối tượng buôn lậu gom vàng trên thị trường chợ đen gây tác động lên tỷ giá và từ đó ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu.

Tỷ giá tăng khiến mặt bằng giá hàng hóa nhập khẩu tăng lên (do độ mở kinh tế lớn), nhập siêu lớn và đội giá sản xuất trong nước từ đó tác động tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và lạm phát

Như vậy, giá vàng có ảnh hưởng lớn tới vĩ mô, gây chảy máu ngoại tệ. Do vậy, dù vàng miếng ko phải là một loại hàng hóa thiết yếu nhưng do tính chất ảnh hưởng như vậy với kinh tế vĩ mô nên NHNN và CP phải cho phép nhập khẩu vàng qua chính ngạch để ổn định giá vàng trong nước sao cho sát với quốc tế

Tuy nhiên, Nghị định 24 ra đời từ năm 2011 và có hiệu lực từ tháng 5/2012 bước đầu đạt được một số mục tiêu: nhập lậu hầu như được ngăn chặn và đặc biệt từ tháng 4 trở lại đây thị trường ngoại tệ diễn biến hết sức ổn định.

Về giải pháp huy động vàng trong nền kinh tế để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Thống đốc cho biết, hiện chưa có cơ quan nào làm khảo sát đánh giá có bao nhiêu vàng trong nền kinh tế nhưng có thể ước khoảng 300 tấn vàng, tương đương 15 tỷ USD.

Thống đốc cho rằng, nguồn vốn nằm bất động trong dân lớn như vậy là rất lãng phí và mục tiêu đặt ra làm sao huy động và khơi thông được nguồn vốn này để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Số liệu Thống đốc đưa ra cho biết, từ ngày 25/5 (khi Nghị định 24 có hiệu lực) đến ngày 25/10, các tổ chức tín dụng đã mua lại của người dân hơn 60 tấn vàng, tương đương với khoảng 3 tỷ USD vàng được chuyển thành tiền đồng phục vụ phát triển nền kinh tế. Như vậy, chống vàng hóa bước đầu đã tạo ra nguồn tiền để phục vụ nền kinh tế.

"Nếu như không phải vì quý IV thường có tình trạng thanh khoản căng thẳng do nhu cầu tăng thì dám chắc tổ chức tín dụng phải mua hết vàng nợ dân để tất toán vào cuối tháng 11 và đủ cơ sở để khẳng định các tổ chức tín dụng có thể mua được tổng cộng khoảng 80 tấn vàng thậm chí hơn trong cả năm 2012", Thống đốc nói.

Nguồn Khampha


Sự kiện