Thứ Sáu | 22/02/2013 16:24

Thống đốc: Chính sách tiền tệ đã bành trướng quá lớn trong nền kinh tế

Để trả chính sách tiền tệ về đúng chỗ và nâng vai trò của thị trường vốn, cần phải siết chặt như năm 2012 trong vòng 5 - 10 năm tới.
Đây là nhận định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trong bài phỏng vấn đăng trên TBKTSG số ra ngày 21/2.

Năm 2012 đã hội tụ sự khủng hoảng của nhiều lĩnh vực kinh tế như chứng khoán, bất động sản, doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, nợ xấu, công ty phá sản, giải thể... Dưới góc nhìn của ông, bản chất của tất cả những khủng hoảng ấy là gì?

Đó là sự bất cân đối giữa tích lũy và đầu tư. Trong vòng 10 năm qua, tích lũy của chúng ta chỉ đạt xấp xỉ 20% GDP, nhưng nhu cầu đầu tư luôn tới 40% và ta cũng luôn cố gắng đầu tư đến mức đó. Thế là nó làm xô lệch hết.

Liệu có thể có định hướng để giải tỏa sự mất cân đối như ông nói?

Theo tôi là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tại sao khởi điểm FDI của ta đúng mà thực hiện lại không đúng? Vì ta làm không đến đầu đến đũa nên luồng vốn FDI vào mà chất lượng không cao, chủ yếu ở bất động sản, không tạo ra giá trị gia tăng.

Làm gì để giải quyết lỗ hổng đó? Năm qua vĩ mô đã đặt ra vấn đề phải có làn sóng FDI mới, đi kèm là cơ chế chính sách đầu tư nước ngoài mới.
Sự mất cân đối trên có sự đóng góp của chính sách tiền tệ không, thưa ông?

Phải nói thật chính sách tiền tệ đã bành trướng quá lớn trong nền kinh tế và năm ngoái chúng ta mới chỉ bắt đầu trả nó về đúng vị trí của nó.

Ý của ông là gì...?

Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), với cơ cấu kinh tế hiện nay, phải mất 5 - 10 năm nữa, nếu làm quyết liệt như năm 2012, chúng ta mới trả được chính sách tiền tệ về vị trí của nó và nâng được vai trò của thị trường vốn lên.

Trên thị trường vốn, trái phiếu Chính phủ phải làm nhiệm vụ dẫn dắt. Tuy nhiên đến giờ trái phiếu chỉ phát hành để có nguồn bổ sung chi tiêu, còn sau đó làm sao để nó đẻ ra tiền tiếp, thì bỏ trống.

Theo nguyên lý bình thông nhau, nếu NHNN hạ quả bóng tiền tệ xuống thấp, thì quả bóng thị trường vốn phải được đẩy lên. Suốt thời gian qua, không ai dẫn dắt thị trường vốn. Sự bền vững của nền kinh tế phải trông chờ vào thị trường vốn, còn chính sách tiền tệ chỉ là giải cứu trong một lúc nào đó.
Để hiểu cho đúng ý ông, thì đó là NHNN có khả năng in tiền?

Đúng vậy.

Đề cập đến giải cứu, năm ngoái tổng phương tiện thanh toán tăng tới 22,4%, nhưng tỷ giá ổn định và tiền đồng đã ít nhiều nằm trong sự lựa chọn nắm giữ của người dân. Có chăng khả năng tỷ giá tiếp tục bình yên năm nay?

Tỷ giá ổn định trong năm 2013, ổn định nhưng không cố định. Năm rồi tỷ giá không biến động phần trăm nào, năm nay nếu có dao động, cũng tầm 2 - 3%.

Năm 2012, NHNN công bố tỷ giá giao dịch hàng ngày thường xuyên 20.828 đồng/USD nhưng ngân hàng nào bán 20.850 đồng NHNN mua ngay.

Năm ngoái, NHNN mua được 18 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, cán cân tổng thể thặng dư 3 - 5 tỷ USD, áp lực lên tỷ giá không lớn.

Năm 2012 lần đầu tiên Chính phủ bỏ việc kiểm soát cũng như ấn định một số chỉ tiêu tiền tệ đối với NHNN. Quyền quyết định và điều hành các chỉ tiêu đó, thí dụ tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán thuộc NHNN. Chốt lại chỉ còn 2 chỉ tiêu: tăng trưởng GDP và lạm phát. Ông có nghĩ đây là sự "cởi trói" đáng ghi nhận cho điều hành tiền tệ?

Năm nay Quốc hội và Chính phủ đặt chỉ tiêu tăng trưởng 5,5%. Theo NHNN có thể đạt trên 5,5%. Hoạt động của ngân hàng sẽ hướng đến để đảm bảo tăng trưởng 5,5 - 6%.
Còn lạm phát?

Những điểm chính
- Tỷ giá trong 2013 sẽ ổn định nhưng không cố định, sẽ dao động tầm 2 - 3%.- Năm 2012 NHNN mua được 18 tỷ USD.- Có thể thắt chặt tín dụng trong 5 - 10 năm tới.- Tăng trưởng tín dụng năm 2013 khoảng 12%.- Lạm phát là vấn đề khó kiểm soát vì phải đẩy tiền ra theo nhiều kênh.


Đây là vấn đề khó nhất. Liên quan đến lạm phát, yếu tố tiền tệ NHNN có thể kiểm soát được, nhưng yếu tố giá phụ thuộc vào các bộ, ngành khác.

Về nguyên tắc, giá tăng thì tiền cũng phải tăng theo. Năm nay kiểm soát cung tiền có khác các năm trước. Thứ nhất phải mua bán nợ, tức phải đẩy tiền ra. Thứ hai giải cứu bất động sản cũng phải đẩy tiền ra. Thứ ba là kỳ vọng vẫn mua được ngoại tệ, nhưng có thể không lớn như năm rồi.
Nghĩa là NHNN có 3 kênh để đưa tiền ra. Và hút tiền về sẽ như thế nào, thưa Thống đốc?

NHNN luôn chăm bẵm kênh thu tiền về. Năm 2012 đã dùng chủ yếu công cụ tín phiếu. Do mặt bằng chất lượng các ngân hàng cao thấp khác nhau, công cụ dự trữ bắt buộc chưa phát huy được. Năm nay nếu buộc phải sử dụng ba máy bơm tiền và bơm liên tục với cường độ lớn, thì cũng phải có công cụ thu về với cường độ tương ứng để bảo đảm không bị ngập.

Tức là sẽ điều chỉnh dự trữ bắt buộc, thưa ông?

Sẽ tính đến dự trữ bắt buộc và một số công cụ khác như bán vàng. Tay này có thể mua ngoại tệ, thay kia có thể bán vàng. Có thể nâng dự trữ bắt buộc lên một tỷ lệ nhất định.

Nếu phía bơm cảm thấy hoành tráng rồi, bên hút cũng cảm thấy được rồi, thanh khoản ổn định, lúc ấy bỏ trần lãi suất.
Thống đốc đang đụng chạm đến câu hỏi nóng mà giới học thuật cũng như các lực lượng thị trường quan tâm: trần lãi suất. Thưa ông, khả năng bỏ trần trong năm nay là có?

Bây giờ chưa thể bỏ trần. Muốn bỏ trần phải nghe ngóng lãi suất huy động. Mục tiêu chính năm nay không phải trần lãi suất huy động bao nhiêu.

Năm nay lãi suất huy động xoay quanh 7 - 8%/năm và cũng không nên xuống thấp hơn. Lãi suất huy động, nếu giảm cùng lắm tới 7%. Có thể đang 8%, xuống 7,5%, lên 7,75% lại xuống 7,5%, tức là có lên có xuống, bắt đầu có đường dích dắc, không chỉ một chiều như trước đây, mà sẽ lên xuống trong biên độ rất hẹp, để chuẩn bị quay lại với thị trường thực sự.

Mục tiêu chính không phải trần lãi suất huy động. Vậy mục tiêu chính sẽ nhắm vào đâu, thưa Thống đốc?

Phải cân được dòng tiền, xem xét lãi suất tái cấp vốn, làm sao để giữa lãi suất tái cấp vốn và lãi suất thị trường mở, kẹp lãi suất huy động của thị trường nằm trong khung dao động này. Dùng hai lãi suất đó để đưa đẩy lãi suất huy động.

Kỳ vọng với cách làm như vậy, lãi suất huy động sẽ ổn định, lãi suất cho vay sẽ xuống thấp hơn. Nếu lãi suất huy động tầm 7 - 8%/năm, cho vay ra từ 9% đến 11 - 12%/năm là chấp nhận được. Đẩy các khoản vay lãi suất 13 - 15% xuống bớt, song nó sẽ xuống từ từ vì đoạn này là đoạn phải cân đong đo đếm, để cuối năm lãi suất cho vay cơ bản từ 9 - 11%/năm.

Chúng ta đã có những đáp án hướng tới cho tỷ giá, lãi suất huy động, lãi suất cho vay. Xin được hỏi Thống đốc tăng trưởng tín dụng sẽ nằm ở đâu trên đường các đáp án này?

Tín dụng là công cụ điều tiết nhằm đạt các chỉ tiêu kinh tế, mức cho năm nay là 12%. Nó có thể trên dưới một chút, trên là 13 - 14%, dưới là 11%.

Năm 2012, tăng trưởng hơn 5%, tín dụng 9%. Năm nay tín dụng phải cao hơn để tăng trưởng đạt 5,5 - 6% và để thị trường hồng hào hơn một chút nhằm giải quyết hàng tồn kho.
Ở trên ông đã dùng từ "ngập" khi đề cập đến chuyện bơm/hút tiền. NHNN chắc hẳn đã tín đến phương án chống "ngập"?

Năm 2012 tổng phương tiện thanh toán tăng khá nhưng không ảnh hưởng đến lạm phát vì sức mua đang quá kiệt. Hiện sức mua chưa được cải thiện nhiều. Bơm nước ngày mưa thì coi chừng, nhưng bơm nước đúng vào lúc hạn hán thì không có vấn đề gì.

Ngoài ra, có những cơ sở để đưa ra ba gói bơm tiền. Thứ nhất niềm tin của người dân vào giá trị tiền đồng đã bắt đầu có. Thứ hai kinh tế thế giới vẫn khó khăn. Đây là cơ hội để đưa tiền ra xử lý nợ xấu, tạo lành mạnh trong tương lai. Cơ hội hiện hữu, còn tận dụng cơ hội đó như thế nào, sử dụng liều lượng ra sao, phải theo dõi kỹ, điều hành sát. Thêm một tí là thừa, bớt một tí là thiếu.

Nguồn TBKTSG


Sự kiện