Thống đốc: Chất lượng tín dụng nhiều tổ chức rất nguy hiểm
Nhiều tổ chức báo cáo tỷ lệ nợ xấu chỉ khoảng 1,2% hoặc trên 3%, nhưng khi thanh tra thì có tín dụng nợ xấu lên tới vài chục phần trăm, Thống đốc nói.
Theo ông, trách nhiệm xử lý nợ xấu trước hết thuộc về tổ chức tín dụng, vì nợ xấu tăng cao gây tổn thất cho tổ chức tín dụng đó. Đầu tiên, sẽ phải trích nhiều dự phòng rủi ro dẫn tới không có lợi nhuận hoặc phải dùng cả vốn điều lệ để xóa nợ. Nếu không muốn ảnh hưởng đến vốn điều lệ thì các cổ đông phải bán tài sản hoặc bằng cách khác để làm hồi phục lại tình hình tài chính lành mạnh.
Những sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh, nếu có sai phạm về kinh tế thì phải xử lý theo pháp luật về kinh tế, trong đó chú ý đến các giải pháp khắc phục hậu quả đã gây ra, người đứng đầu ngành ngân hàng khẳng định.
Thống đốc cho biết, theo số liệu của tổ chức tín dụng, đến 30/9, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 4,93%, nhưng theo công bố của NHNN, tỷ lệ nợ xấu khoảng 8,82%. Với tổng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế khoảng 2,7 triệu tỷ đồng, nợ xấu của hệ thống ngân hàng khoảng 240 nghìn tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng đã được trích lập là 75 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro và có 12 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý từ số dự phòng.
NHNN yêu cầu giám sát việc chia cổ tức và tiền lương tại các tổ chức tín dụng để đảm bảo trích lập đủ dự phòng rủi ro.
Nguồn Khampha