Thứ Sáu | 21/06/2013 08:14

Thống đốc cảnh báo ngân hàng cho vay vượt vốn tự có

Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, tìm cách mở rộng tín dụng nhưng không được hạ chuẩn mực
"Không cho vượt thì bảo là gây khó dễ, rồi đang muốn tăng trưởng tín dụng trong khi các tập đoàn cần vốn lại không cho vượt. Nhưng mai đây, có vấn đề xảy ra, lật lại hồ sơ lại bảo là Ngân hàng Nhà nước to gan, dám cho vay vượt 70% thì ai giải quyết đây? Tìm cách mở rộng tín dụng nhưng không được hạ chuẩn mực", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh tại buổi sơ kết hoạt động các ngân hàng thương mại phía Nam diễn ra ngày 19/6.

Trong hai hội nghị sơ kết hoạt động ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm ở Hà Nội (18/6) và TPHCM (19/6), có khá nhiều vướng mắc được đại diện các ngân hàng đưa ra. Thống đốc đã trực tiếp trả lời, hứa tháo gỡ kịp thời từng vấn đề để toàn ngành đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% cho cả năm.

Thứ nhất, đối với đề xuất cho vay khách hàng, nhóm khách hàng vượt 15% và 25% vốn tự có của ngân hàng, Thống đốc cho rằng, thời gian qua, các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước đã tích cực xem xét, nhưng vì đó là quy định của luật, nên phải xin phép Chính phủ.

Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng một số trường hợp cho vay vượt giới hạn 15% và 25%, nhưng còn phải chờ, và các ngân hàng thương mại không thể trông chờ vào đó. Bởi lẽ, khi quy định như vậy, Chính phủ đã lường trước những hậu quả tai hại khi cho vay vượt vốn tự có.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với các ngân hàng xem xét các trường hợp tương tự theo hướng tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay, để ngân hàng giữ được khách hàng cũng như tăng trưởng được tín dụng trong nước, tránh doanh nghiệp phải đi vay mượn nước ngoài không cần thiết.

Tuy nhiên, Thống đốc cũng lưu ý: với những trường hợp vượt 15% đến 20% còn dễ xử lý, nhưng cũng có những trường hợp vượt tới 70%, điều này làm cho cơ quan quản lý luôn bất an.

Thứ hai, với vấn đề xử lý nợ xấu, tính toán của Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng sẽ xử lý được số nợ xấu lớn trong năm nay. Cộng với việc Chính phủ thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 30 nghìn tỷ đồng; VAMC xử lý khoảng 50 nghìn tỷ đồng, kết hợp với việc tái cơ cấu các khoản nợ thì tổng nợ xấu sẽ xử lý được con số đáng kể.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng khuyến cáo: "Đối với doanh nghiệp sử dụng vốn đúng mục đích, nhưng do cơ cấu vốn không hợp lý, tình hình thị trường khó khăn, hay trước đây dùng vốn ngắn hạn đầu tư trung dài hạn thì những trường hợp đó xứng đáng để cơ cấu lại. Ngược lại, các doanh nghiệp sử dụng vốn sai mục đích thì không thể cơ cấu nợ cho họ được".

Thứ ba, đối với một số trường hợp muốn tăng tín dụng vượt quá 12%, Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương cho phép nhưng các đơn vị phải nâng cao chất lượng tín dụng, đáp ứng các tỷ lệ an toàn theo quy định, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, giải quyết từng trường hợp.
Thứ tư, với vấn đề xử lý tài sản bảo đảm, trong đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị Bộ Tư pháp, Tòa án, Bộ Công an phối hợp để cùng tháo gỡ. Tuy nhiên, đây là vướng mắc liên quan đến nhiều bộ ngành nên cần phải có thời gian để xử lý

"Trong bất cứ một nền kinh tế nào, ổn định lạm phát thấp và kiểm soát tỷ giá hối đoái thành công là hai chỉ số cơ bản hàng đầu. Trên thực tế, tỷ giá từ đầu năm đến nay chỉ biến động trong khoảng 0,9%, nằm trong biên độ cho phép +/-2% mà Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra từ đầu năm", ông Phước nói.

Nguồn VnEconomy


Sự kiện