Thống đốc: Cấm ngân hàng chia cổ tức nếu không trích đủ dự phòng rủi ro
Theo Thống đốc, việc giải quyết hàng tồn kho có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Dưới góc độ đánh giá của NHNN, nếu sản xuất chiếm 50% GDP, hàng hóa tồn kho mà khoảng 20% của 50% GDP thì số hàng tồn kho tương đương tỷ lệ nợ xấu 4%.
Nếu giải quyết được số hàng tồn kho này thì nợ xấu đã giải quyết được 4%, và nếu giải quyết được 93% nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản (khoảng 90 nghìn tỷ đồng) thì sẽ giải quyết thêm được 2%. Do đó, nếu theo đúng báo cáo của NHNN, tỷ lệ nợ xấu khoảng 8% thì giải quyết được 2 vấn đề trên sẽ giúp tỷ lệ nợ xấu giảm được 6%, Thống đốc cho biết.
Vì vậy, để giải quyết nợ xấu, phải quyết tâm giải quyết được hàng tồn kho trong sản xuất, trong xây dựng cơ bản, trong bất động sản, người đứng đầu ngành ngân hàng phát biểu.
Theo Thống đốc, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng để giải quyết hàng tồn kho trong xây dựng, cũng như đề nghị các ngân hàng tự xử lý nợ xấu, trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro.
"Đến cuối năm nay, ngân hàng nào không trích lập đủ dự phòng rủi ro thì không được chia cổ tức. NHNN sẽ có biện pháp thanh tra giám sát cần thiết để đảm bảo lợi nhuận của ngân hàng trước tiên để giải quyết nợ xấu", Thống đốc khẳng định.
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương khoanh nợ, giãn nợ và tái cơ cấu lại nợ, từ tháng 4 trở lại đây, NHNN đã khoanh, giãn nợ 36 nghìn tỷ đồng. Kể từ 15/7 đến nay, tỷ trọng dư nợ có lãi suất trên 15%/năm đã giảm từ 80% xuống còn khoảng 20%.
Nguồn Khampha