Thứ Ba | 09/09/2014 13:50

Thống đốc Bình và chuyện “con đường kim cương”

Có một lời hứa mà sau ba năm Thống đốc Nguyễn Văn Bình mới thực hiện được.
Ông Nguyễn Văn Bình (thứ hai từ phải sang) trong chuyến công tác về Thái Bình - Ảnh: Văn Quyết.
Ông Nguyễn Văn Bình (thứ hai từ phải sang) trong chuyến công tác về Thái Bình - Ảnh: Văn Quyết.

Đầu nhiệm kỳ làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Văn Bình từng tìm hiểu và hứa sẽ hỗ trợ vốn xây dựng nông thôn mới cho tỉnh Thái Bình. Sau ba năm, đến ngày 8/9/2014, lời hứa đó mới thực hiện được.

Hồi đó, ông Bình có hỏi ông Trần Cẩm Tú, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, về xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Khó khăn là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi… với chi phí khá lớn. Ước tính, riêng về hạ tầng này, mỗi cánh đồng mẫu lớn cần ít nhất 10 tỷ đồng. Tân Thống đốc khi đó hứa sẽ tìm cách hỗ trợ.

Thích nông nghiệp…

“Muộn còn hơn không”, ông Bình nói vui khi hôm qua (8/9) mới đến được Thái Bình để thực hiện lời hứa. Khoản hỗ trợ 30 tỷ đồng từ ngành ngân hàng để xây dựng hạ tầng cánh đồng mẫu lớn được trao, cùng 200 con bò tặng cho hội phụ nữ tỉnh.

Trước khi về đây, một số cán bộ chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước cho hay, Thống đốc muốn xem thực tế cánh đồng mẫu lớn được triển khai như thế nào, có cơ sở để xây dựng thêm các dự án nông nghiệp theo mô hình liên kết 4 nhà, hay mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất… hay không.

Từng tham gia nhiều buổi làm việc của Ngân hàng Nhà nước với lãnh đạo chính quyền địa phương những năm gần đây, điểm chung mà người viết nhận thấy là ông Bình bộc lộ sự tâm đắc với các mô hình trên.

Tâm đắc, có lẽ một phần xuất phát từ đặc thù thế mạnh của các địa phương ở khu vực nông thôn với nông nghiệp là trọng tâm; một phần từ sự thật được đúc kết là cho vay ở lĩnh vực này tỷ lệ nợ xấu rất thấp (phổ biến dưới 2%), an toàn hơn so với các lĩnh vực thâm dụng vốn như chứng khoán, bất động sản…; một phần còn có từ điểm mới, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bắt đầu triển khai các mô hình cụ thể để có thể thúc đẩy cho vay hiệu quả hơn trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cũng như tại nhiều địa phương khác, tại Thái Bình, Thống đốc “tiếp thị”: trước đây, các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp vay được một vài chục tỷ đồng đã là lớn; nay, nếu dự án được xây dựng cụ thể, chứng minh được năng lực quản trị điều hành, liên kết chặt chẽ để đảm bảo đầu ra, không cần tài sản đảm bảo mà hạn mức vay có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng, nguồn hỗ trợ có thể dài hạn 10-15 năm…

Và ông muốn Thái Bình, vựa lúa của miền Bắc, có ít nhất một dự án để thí điểm cho năm tới.

Thực tế, sau một năm, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện được 15 dự án trên toàn quốc với quy mô cho vay hàng nghìn tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2015 sẽ có từ 20-25 dự án như vậy trong lĩnh vực nông nghiệp.

Gặp giao thông…

Thế nhưng, tại Thái Bình, một loạt dự án đề xuất hỗ trợ vốn đưa ra lại chủ yếu là ở lĩnh vực giao thông.

Lãnh đạo tỉnh có lý do, muốn làm nông nghiệp tốt hay muốn phát triển kinh tế xã hội nói chung, trước hết phải đầu tư cho hạ tầng giao thông. Thống đốc Bình cũng đồng tình, hẳn là các dự án cấp bách mới đề xuất hỗ trợ vốn như vậy.

Tính sơ, nhu cầu vốn của loạt dự án đó lên tới cả chục nghìn tỷ đồng. Trong khi tổng vốn huy động tại chỗ của các ngân hàng trên địa bàn Thái Bình hiện chỉ 25.400 tỷ đồng, tổng dư nợ đã lên tới gần 38.000 tỷ đồng - tức một nguồn vốn lớn đã phải điều chuyển về từ các địa bàn khác để phục vụ.

Nói cách khác, giao thông là lĩnh vực thâm dụng vốn. Và trước nhu cầu thực tế của Thái Bình, Thống đốc kể lại tình huống của vài năm về trước.

Những năm 2011-2012, tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhiều lần phản ánh thiếu nguồn vốn để làm đường. Phía Ngân hàng Nhà nước lúc đó cũng đã nêu quan điểm.

“Đúng là thời điểm đó không có tiền thật. Vì khi đó chúng ta tập trung chống lạm phát, thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ. Lãi suất thời điểm đó các ngân hàng vay nhau 17-18%/năm, doanh nghiệp vay ngân hàng thì trên 20%, thậm chí 25-30%/năm.

Tôi cũng có nói, là chúng ta có chịu được cái lãi suất đó để làm đường không. Có tiền, nhưng có chịu được cái lãi suất đó không. Con đường, mà tôi nghĩ, chịu được cái lãi suất đó thì chắc là đường vàng, đường bạc, hay là đường kim cương. Cho nên lúc đó bảo làm đường thì tôi sợ doanh nghiệp và ngân sách có chịu được cái lãi suất như thế không, chứ tiền thì có”, ông Bình kể.

Hơn một năm trở lại đây, lạm phát được kiềm chế, lãi suất đã giảm sâu, vốn cho giao thông mới bắt đầu được “bơm” mạnh - thời điểm hợp lý của chi phí.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, chưa có năm nào như năm vừa qua hệ thống ngân hàng đầu tư vốn cho giao thông nhiều như vậy. 6 tháng cuối năm 2013, thời điểm hợp lý của chi phí đến, Ngân hàng Nhà nước đề xuất với Chính phủ tạm ứng cho ngân sách 20.000 tỷ đồng để làm đường, cùng cam kết hết năm 2013 nguồn vốn sẽ chảy mạnh vào giao thông.

Đến năm 2014, tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng đầu tư cho hệ thống giao thông đã lên tới mức trên 400.000 tỷ đồng, một con số mà người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh là rất lớn, cũng như lý giải vì sao thời gian qua nhiều tuyến quốc lộ, cao tốc được khởi công và làm mạnh, có tốc độ nhanh như vậy.

Hệ thống ngân hàng đã “mở van” mạnh hơn cho giao thông, song cũng có điểm bị kẹt lại.

Cũng tại một buổi làm việc với chính quyền địa phương, ở Quảng Bình cuối năm ngoái, một ý kiến phát biểu đề nghị với Thống đốc rằng, làm sao để “tác động” đến Chính phủ thúc đẩy việc xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản nhanh hơn (ước tính vào khoảng 90.000 tỷ đồng).

Ý kiến trên sốt ruột vì, thực hiện các dự án giao thông theo hình thức BT, nguồn vốn từ ngân sách, ngân hàng cho vay tạm ứng trước để triển khai nhưng ngân sách chưa về, doanh nghiệp chưa có tiền trả nợ hoặc bị nợ quá hạn nên không thể vay vốn tiếp.

Có lẽ cũng vì lẽ đó, nên với các nhu cầu vay vốn phát triển giao thông tại Thái Bình, Thống đốc chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét đáp ứng, nhưng ông đặc biệt lưu ý về nguồn thu, về khả năng thu hồi vốn.

“Vốn ngân hàng cũng là vốn vay của dân thôi, đến kỳ đến hạn thì có bao giờ được khất đâu. Ta có thể hoãn nợ cho doanh nghiệp, nhưng không được khất dân”, ông Bình nói.

Nguồn VnEconomy


Sự kiện