Nhiều vụ việc tiêu cực xảy ra trong hệ thống ngân hàng thời gian qua là một nội dung đáng chú ý.
Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (tỉnh Bình Thuận) đặt câu hỏi:“Tại báo cáo số 339/BC-CP ngày 13/10/2013 của Chính về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2013 có đánh giá: “Hầu hết các vụ án xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng đều có sự tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp của cán bộ ngân hàng…”. Đề nghị Thống đốc cho biết, đó là do đạo đức cán bộ, do công tác kiểm tra, giám sát hay do cơ chế quản lý, điều hành? Đâu là vấn đề chủ yếu? Xin Thống đốc cho một lời khẳng định việc khắc phục, xử lý trong thời gian tới”.
Trước loạt câu hỏi này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận, thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng trở thành vấn đề rất đáng lưu ý với tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp. Ngoài các hành vi vay ké, nội bộ thông đồng lấy quỹ, lập hồ sơ giả lấy tiền tiết kiệm, tiền vay… như đã xảy ra trước đây, còn xuất hiện các hình thức vi phạm mới như rửa tiền, sử dụng công nghệ cao để hoạt động cả trong lĩnh vực chứng khoán và ngân hàng… Tiêu cực, tham nhũng có liên quan trực tiếp đến khó khăn của nền kinh tế, sự suy thoái đạo đức của cán bộ thực thi nhiệm vụ, một số vụ vi phạm có tổ chức, hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Thống đốc cho biết đã chủ động phối hợp với các cơ quan pháp luật để ngăn ngừa, phát hiện và xử lý. Trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển 19 hồ sơ vụ việc sang cơ quan pháp luật.
Có nhiều nguyên nhân mà người đứng đầu ngành đưa ra để trả lời cho chất vấn trên của đại biểu.
Nguyên nhân thứ nhất mà Thống đốc Bình đề cập tới, là do tác động của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và kinh tế trong nước suy giảm, hoạt động đầu tư, thương mại và sản xuất kinh doanh trì trệ kéo theo những khó khăn trong hoạt động tài chính, ngân hàng nên vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng có chiều hướng gia tăng.
Trong đó, lĩnh vực kinh doanh ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh gắn trực tiếp với tiền tệ cũng là nơi mà bọn tội phạm cũng như những cán bộ ngân hàng thoái hóa biến chất lợi dụng chức năng nhiệm vụ để tham ô, tham nhũng và có các hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn phát triển trước đây, nhiều tổ chức tín dụng đã nới lỏng các điều kiện cho vay, điều kiện giao dịch trong khi trình độ quản lý chưa theo kịp yêu cầu quản trị rủi ro nên đã xảy ra nhiều vụ việc sai phạm. Những sai phạm này đã không được phát hiện kịp thời hoặc phát hiện được nhưng xử lý chưa nghiêm do năng lực thanh tra, giám sát ngân hàng trong giai đoạn này còn nhiều hạn chế.
“Cùng với những khó khăn của nền kinh tế trong thời kỳ suy thoái và việc tăng cường, hoàn thiện cơ chế quản lý, đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát ngân hàng nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động tiền tệ ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng từ năm 2012 trở lại đây nên những sai phạm trong ngành ngân hàng giai đoạn trước đây đã được phát hiện và phản ánh đúng bản chất hơn, đồng thời cũng được xử lý nghiêm minh hơn”, văn bản trả lời cử tri của Thống đốc nêu một sự khác biệt trong hai năm trở lại đây.
Thứ hai, Thống đốc nhìn nhận, hệ thống quản trị, kiểm soát, kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng còn hạn chế, có lúc, có nơi chưa theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường đang hội nhập ngày càng sâu, rộng, dẫn đến sơ hở trong quản lý, điều hành, chưa phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, chậm hoặc không phát hiện được các hành vi vi phạm, tiêu cực, tham nhũng.
Cùng với đó, hệ thống công nghệ, năng lực quản trị rủi ro và trình độ cán bộ của một số ngân hàng hiện nay còn bất cập, trong khi đó các loại tội phạm mới, nhất là tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi và chưa được cảnh báo kịp thời.
Thứ ba, một số ngân hàng, đơn vị/chi nhánh thuộc ngân hàng thương mại vì sức ép lợi nhuận, sức ép thành tích đã nới lỏng điều kiện tín dụng, không tuân thủ nghiêm túc một số trình tự, thủ tục, quy định cho vay; không chuyển nhóm nợ theo quy chế; cho vay không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo không đủ thủ tục pháp lý...
Đáng chú ý, một số tổ chức tín dụng hoạt động thiếu công khai, minh bạch hoặc bị thao túng, chi phối bởi các cổ đông lớn cũng được xem là một khía cạnh khi xét đến nguyên nhân của nhiều vụ việc tiêu cực xẩy ra; đặc biệt là trong việc cho vay, đầu tư tài chính phục vụ cho các công ty con của cổ đông lớn hoặc đáp ứng cho lợi ích riêng của cổ đông lớn và người có liên quan vượt giới hạn an toàn và tiềm ẩn rủi ro cao cho tổ chức tín dụng.
Thứ tư, Thống đốc cho rằng, một bộ phận cán bộ ngân hàng thậm chí có cả cán bộ cấp cao của ngân hàng thương mại suy thoái về đạo đức nghề nghiệp và vi phạm quy định của pháp luật, thậm chí câu kết với các đối tượng bên ngoài để phạm tội. Hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, ban điều hành của một số tổ chức tín dụng còn buông lỏng quản lý và chưa thực sự quan tâm, chưa có biện pháp phòng, chống tham nhũng, tội phạm có hiệu quả. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ nhân viên có nơi, có lúc còn làm chưa tốt.
Thứ năm, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý đối với hoạt động tiền tệ, ngân hàng còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công nghệ thông tin ngày càng hiện đại, hoạt động ngân hàng ngày càng phát triển nhanh, đa dạng, phức tạp và tình hình tham nhũng, tội phạm cũng ngày càng tinh vi.
Thứ sáu, công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, mặc dù đã có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực và tội phạm; nhiều vụ việc phát sinh không được phát hiện kịp thời. Việc phối hợp, trao đổi thông tin giữa cơ quan bảo vệ pháp luật với các đơn vị thanh tra, giám sát ngân hàng có thời điểm chưa được kịp thời, nhất là trong việc phối hợp thu hồi tài sản thất thoát, trao đổi thông tin, kinh nghiệm và các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tội phạm...
“Như vậy, có thể khẳng định, đạo đức cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát và cơ chế quản lý, điều hành đều là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sai phạm trong hoạt động ngân hàng trong thời gian qua”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình kết luận.
Cùng với đó, vị tư lệnh ngành ngân hàng đưa ra một loạt giải pháp để khắc phục và xử lý những vụ việc tiêu cực nảy sinh trong hệ thống.
Thống đốc cho biết, công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm càng phải được coi trọng, nhưng cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn phức tạp hơn. “Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan thực hiện có kết quả các biện pháp đấu tranh, phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng”.
Nguồn VnEconomy