Không chỉ bất động sản công nghiệp, nhiều lĩnh vực khác cũng trông đợi vào quyết định mở cửa toàn bộ để quay trở lại cuộc sống bình thường. Ảnh: TTXVN.
Thông điệp mở cửa
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, cho biết dịch bệnh đã gây ra nhiều cản trở đối với việc đầu tư do những hạn chế khi làm việc qua internet. Các công ty khó có thể đưa ra quyết định phù hợp. Tuy nhiên, với sự trở lại của các chuyến bay quốc tế từ ngày 15/3, Savills tin tưởng các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiếp cận dự án khu công nghiệp tại Việt Nam dễ dàng hơn, qua đó, kỳ vọng vào sự bùng nổ trong vốn đầu tư nước ngoài với nhiều dự án mới được ký kết, đặc biệt là các nhà máy sản xuất và hậu cần kho bãi trong những tháng sắp tới.
Không chỉ bất động sản công nghiệp, nhiều lĩnh vực khác cũng trông đợi vào quyết định mở cửa toàn bộ để quay trở lại cuộc sống bình thường. Hai năm qua, do dịch bệnh bùng nổ và các biện pháp giãn cách khắp thế giới, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bị ảnh hưởng, không chỉ là trong thu hút đầu tư mới mà cả việc triển khai các dự án hiện hữu cũng bị chậm trễ.
Chính sách mở cửa trở lại nền kinh tế, cộng với các đường bay quốc tế được khôi phục sẽ có tác động tích cực đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay, Việt Nam thu hút gần 5 tỉ USD vốn FDI, dù con số này bằng 91,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cho thấy tín hiệu tích cực trong đại dịch. Đáng chú ý, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài trong 2 tháng đầu năm đạt 2,68 tỉ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,4 điểm phần trăm so với tháng 1/2022. Bên cạnh đó, sau giai đoạn dài sụt giảm mạnh, tổng giá trị vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại đã bật tăng mạnh mẽ trở lại (41,17% so với cùng kỳ) với 769,6 triệu USD.
“Khi Việt Nam mở cửa lại biên giới và du lịch quốc tế bắt đầu trở lại, chúng tôi tin tưởng rằng các công ty sẽ có thể phục hồi sau đại dịch để nắm bắt các cơ hội mới trên thị trường”, ông Harry Loh, Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam, cho biết.
Chính sách mở cửa trở lại nền kinh tế, cộng với các đường bay quốc tế được khôi phục sẽ có tác động tích cực đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ảnh: Qúy Hòa. |
Các chuyến bay quốc tế được nối lại tạo ra sự kỳ vọng bùng nổ vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với nhiều dự án mới được ký kết và Việt Nam đặt kỳ vọng vào mục tiêu thu hút 40 tỉ USD vốn FDI trong năm 2022. Việt Nam cũng đặt mục tiêu thu hút trên 5 triệu lượt khách quốc tế, 60 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 400.000 tỉ đồng trong năm 2022.
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho biết một số nhà đầu tư lớn vẫn ra quyết định đầu tư vào Việt Nam dù trong bối cảnh dịch bệnh. Những doanh nghiệp này đang rất mong chờ vào việc đơn giản thủ tục đón khách từ các đường bay quốc tế để tới Việt Nam và bắt tay vào kinh doanh, sản xuất.
Đây là những tín hiệu lạc quan trong bối cảnh nguồn cung vốn hạn chế, các quốc gia đều tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài để duy trì và phục hồi nền kinh tế, cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia ngày càng gay gắt. Mặc dù vậy, để tiếp tục thu hút doanh nghiệp FDI, Việt Nam cần nhanh hơn và hấp dẫn hơn về chính sách thu hút đầu tư. Dù thời điểm mở cửa du lịch của Việt Nam không phải sớm nhưng quyết định này sẽ giúp Chính phủ tiếp tục có các biện pháp tái cơ cấu, hồi phục và phát triển kinh tế.
“Nhiều nước trong khu vực cũng đã thực sự mở cửa trở lại, nếu chúng ta không tiến hành kịp thời, cùng với việc đẩy nhanh cải cách hành chính thì sẽ có khả năng bỏ lỡ những cơ hội tốt”, ông Minh nhấn mạnh.
Việc mở cửa dù vô cùng quan trọng nhưng vẫn kèm theo nhiều thách thức. Chẳng hạn, nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi du lịch hồi phục trở lại là rất lớn, dự báo ngành du lịch phải mất 5 năm để hồi phục bằng thời điểm trước dịch. Đồng thời, dịch bệnh cũng làm thay đổi nhu cầu, thị hiếu, cách thức du lịch của người dân, đòi hỏi ngành du lịch phải nhanh chóng thích ứng.