Hoàng Lê Uyên Vy Thứ Tư | 22/01/2020 11:00

Thời kỳ vàng của những kỳ lân Việt Nam

Hệ sinh thái startup khu vực đang đón chờ thế hệ kỳ lân tiếp theo, trong đó có rất nhiều cơ hội từ việt Nam.

Nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, nhu cầu về vốn ngày càng tăng và lợi nhuận hấp dẫn khiến Đông Nam Á trở thành điểm dừng hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong 5 năm trở lại đây, với 14,7 tỉ USD được rót vào các startup khu vực trong cả năm 2018, theo số liệu từ Google Temasek. Trong đó, Việt Nam đang nổi lên như một thị trường đầu tư hàng đầu với nhiều cơ hội bứt phá cho các startup trong nước.

Đông Nam Á đang ở thời điểm đặc biệt và thời điểm này sẽ không trở lại. Đó là nhận định của Nick Nash, đồng sáng lập và Giám đốc Điều hành Quỹ đầu tư tư nhân Asia Partners, khi nói tới hệ sinh thái khu vực đang đón chờ thế hệ kỳ lân tiếp theo trong một sự kiện dành cho các nhà sáng lập tại Việt Nam vào tháng 10.2019.

Dựa trên những thống kê từ Bain & Company, ông cũng chỉ ra rằng Việt Nam đang nổi lên là thị trường đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực chỉ sau Singapore và Indonesia và quốc gia này sẽ bước vào thời kỳ vàng cho các startup trong giai đoạn 2025-2030. Giấc mơ kỳ lân (unicorn) sẽ sớm không chỉ thuộc về thế giới phương Tây hoặc các công ty lớn trong khu vực.

 

Những quan sát và số liệu của Asia Partners cũng cho thấy, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Đông Nam Á đang dịch chuyển theo cùng quỹ đạo với Trung Quốc và khu vực này hội tụ đầy đủ các điều kiện để đạt được những thành công tương tự. Trong 5 năm tới, Đông Nam Á được dự báo sẽ có thêm kỳ lân công nghệ trong các lĩnh vực như du lịch trực tuyến, y tế, giáo dục, bảo hiểm... Với tốc độ phát triển nhanh, dân số trẻ và số người gia nhập tầng lớp trung lưu tăng mạnh, đây là cơ hội để Việt Nam tận dụng làn sóng đang dâng cao của khu vực và tập trung phát triển những ngành có lợi thế địa phương.

Có ít nhất 3 yếu tố thế mạnh để một công ty địa phương giành ưu thế trước một đối thủ nước ngoài. Thứ nhất là sự hiểu biết đối với thị trường địa phương, đặc biệt đối với một số ngành đặc thù khác biệt so với các quốc gia nước ngoài như y tế hay giáo dục. Thứ 2 là khả năng xây dựng đội ngũ trong nước, từ đó tạo ra lợi thế về quan hệ và sự ủng hộ từ cộng đồng, chính phủ địa phương. Thứ 3 là dung lượng thị trường đủ lớn để các công ty có thể tập trung vào thị trường nội địa mà vẫn đạt đủ quy mô nhằm tạo rào cản thâm nhập thị trường với các đối thủ thế giới, đồng thời tạo sức thuyết phục với các nhà đầu tư lớn.

Ba yếu tố nói trên được khắc họa rõ nét trong cuộc cạnh tranh kinh điển giữa Uber và Grab - một công ty có nguồn gốc từ Malaysia mua lại người khổng lồ đến từ Mỹ và trở thành ứng dụng gọi xe lớn nhất khu vực Đông Nam Á với mức vốn hóa 14 tỉ USD.

 


Tại Đông Nam Á, xe 2 bánh là phương tiện phổ biến hơn nhiều so với ô tô vì giá cả phù hợp và hệ thống cơ sở hạ tầng cho ô tô chưa thực sự phát triển. Hiểu rõ thực tế này, Grab đã sớm cung cấp dịch vụ xe 2 bánh GrabBike để thu hút và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trong khi đó, Uber đã chậm hơn Grab 1 năm trong việc ra quyết định cung cấp dịch vụ xe 2 bánh Uber Motor tại thị trường này. Thêm vào đó, Grab có thể dễ dàng tích hợp hình thức thanh toán tiền mặt vốn rất thông dụng trong giao dịch hằng ngày tại Đông Nam Á nhờ có đội ngũ vận hành và kỹ thuật ngay tại các quốc gia họ có mặt. Trong khi đó, Uber gặp nhiều khó khăn trong việc thay đổi sản phẩm của mình và chỉ có thể áp dụng hình thức thanh toán bằng tiền mặt sau hơn 1 năm hiện diện tại Đông Nam Á. Ngoài ra, không thể không kể đến sức hút mạnh mẽ đối với nhà đầu tư khi Grab vận hành trong thị trường gọi xe đầy tiềm năng trị giá 13 tỉ USD với tỉ lệ tăng trưởng hằng năm là 45% tại Đông Nam Á. Danh sách các đơn vị đã rót vốn vào Grab bao gồm những cái tên lớn như SoftBank Vision Fund, GGV Capital, Invesco và Hyundai Motor Company...

Ngoài những lĩnh vực nóng như thương mại điện tử (e-commerce) hay công nghệ tài chính (fintech) mà rất nhiều công ty đang tập trung vào và đầy rẫy đối thủ nặng ký, tại Việt Nam, có một số ngành quy tụ đầy đủ các yếu tố giúp một công ty bản địa có được lợi thế trước đối thủ bên ngoài trong tương lai gần.

Công nghệ chăm sóc sức khỏe (MedTech)

Chi tiêu cho y tế tại Việt Nam năm 2018 đạt 17 tỉ USD (chưa bao gồm thị trường dược phẩm trị giá 6 tỉ USD). Trong khi đó, ngành y tế Việt Nam có nhiều đặc điểm khác biệt mà chỉ người bản xứ hiểu được. Ví dụ, đối với các bệnh nhẹ như cảm cúm hay bệnh về tiêu hóa, phần lớn người Việt Nam sẽ tự mua thuốc thay vì đến gặp bác sĩ để kê đơn. Điều này hoàn toàn trái ngược với các nước phương Tây và sẽ là yếu tố tiên quyết các công ty cần nắm vững khi đưa ra những giải pháp trong ngành này.

Về mặt vận hành, một trong những thành phần quan trọng nhất trong hệ sinh thái MedTech là các bệnh viện công. Để có thể làm việc được với họ, các startup cần xây dựng mạng lưới rộng và sâu trong ngành y tế, điều mà các đối thủ trong khu vực và quốc tế gần như không thể có được ngay lập tức mà cần rất nhiều thời gian và nguồn lực. Với những yếu tố nêu trên, chăm sóc sức khỏe là một trong những ngành phù hợp nhất để các startup nội địa tận dụng lợi thế sân nhà trước nhiều đối thủ nước ngoài đang thâm nhập thị trường.

Công nghệ giáo dục (EduTech)

Chi tiêu cho giáo dục tại Việt Nam đạt 9 tỉ USD trong năm 2018, trong khi chi tiêu của chính phủ cho giáo dục trên GDP cũng thuộc hàng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, đạt 4,7%. Với mong muốn cho con mình đạt điểm cao trong các bài kiểm tra và kỳ thi, phụ huynh Việt Nam thường cho con đi học thêm ngoài giờ học chính khóa. Thực tế này khá tương đồng với các nước châu Á nhưng còn xa lạ với nhiều quốc gia phương Tây. Hay đối với chương trình học, hàm lượng kiến thức khoa học nặng hơn rất nhiều so với kiến thức xã hội và kỹ năng mềm. Những hiểu biết về nhu cầu thị trường mang tính địa phương này sẽ giúp các công ty trong nước có lợi thế trong việc giải đúng bài toán.

Tương tự như ngành MedTech, để làm việc với các trường học tại Việt Nam, các startup cần xây dựng mạng lưới tốt với các trường học và giáo viên trong trường bởi họ có ảnh hưởng rất lớn tới quyết định của học sinh. Những mối quan hệ này cũng không dễ dàng xây dựng đối với các nhân tố nước ngoài. Trong một ngành đòi hỏi nhiều yếu tố địa phương như giáo dục, các nhà sáng lập trong nước chắc chắn sẽ am hiểu thị trường hơn và có nhiều lợi thế hơn trong việc đưa ra các giải pháp phù hợp.

Công nghệ bảo hiểm (InsurTech)

Mô hình bảo hiểm truyền thống ở Việt Nam có nhiều hạn chế như thời gian xử lý kéo dài, quy trình chặt chẽ, nhiều bước và qua nhiều bộ phận. Rất nhiều loại bảo hiểm bắt buộc tại Việt Nam chỉ mang tính hình thức, khả năng được bồi thường khi tai nạn trên thực tế là không cao. Ví dụ, phần lớn người sở hữu ô tô đều phải mua thêm bảo hiểm cá nhân bên cạnh các loại bảo hiểm bắt buộc. Vì vậy, có rất nhiều cơ hội còn để ngỏ cho các startup trong nước trong thị trường có doanh thu 6 tỉ USD và cần nhiều lời giải này.

Dù là đưa ra giải pháp phân phối áp dụng công nghệ, cung cấp các nền tảng so sánh hay phát hành hình thức bảo hiểm mới, các công ty đều cần có một mạng lưới tốt với những công ty bảo hiểm lớn tại Việt Nam để có thể hoạt động trong thị trường này. InsurTech còn khá mới tại Việt Nam nhưng sẽ sớm trở thành một xu thế làm thay đổi toàn bộ cục diện ngành bảo hiểm. Các startup nội địa nên nắm bắt thời cơ từ sớm và khai thác thế mạnh địa phương trước khi những đối thủ nước ngoài thâm nhập thị trường.