Thổi hồn nhạc Trịnh vào quản trị doanh nghiệp
Chính vì cảm nhận đó, Giám đốc chiến lược FPT Nguyễn Hữu Thái Hòa đã chọn hát những lời ca đầy nhân văn của Trịnh khi làm giảng viên môn Chiến lược cho Viện Quản trị Kinh doanh (FSB) – ĐH FPT như thể anh muốn“thổi” giấc mơ Việt Nam của mình vào hồn các doanh nhân Việt theo kiểu triết lý Trịnh Công Sơn.
Từng hát tới hơn 100 ca khúc nhạc Trịnh tại 20 quốc gia và trong 11 album tưởng niệm Cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có vẻ anh đã “ngấm” hết “hồn” nhạc Trịnh?
Dùng từ “Ngộ” thì chính xác hơn. Sau chừng đấy năm tôi “Ngộ” ra nhiều giá trị nhân văn trong nhạc Trịnh. Âm nhạc Trịnh Công Sơn không chỉ là nhạc mà còn có tính thơ, tính văn học, tính triết học và đặc biệt là tính phản chiến trong chiến tranh Việt Nam. Tôi cho rằng nếu nói nhạc Trịnh là một kho tàng văn hóa, thì Ca Khúc Da Vàng phải là những hạt kim cương còn ẩn mình trong đám bụi mờ của lịch sử. Một người bạn Mỹ của Trịnh Công Sơn đã từng nói rằng mỗi bài hát phản chiến trong chùm tác phẩm Da vàng của ông có giá trị tương đương với 10 hay 20 cuộc biểu tình chống chiến tranh tại Mỹ… Việc “Ngộ” được những giá trị ấy phải cần có thời gian và có ứng dụng được gì hay không thì còn tùy vào cái “thiện duyên” của mỗi người.
“Ngộ” được nhiều điều như vậy, chắc hẳn sẽ có một điều đặc biệt nào đó khiến anh tâm đắc nhất?
Sự bí ẩn của ca từ - đó là giá trị nhân văn nhất, đôi khi chỉ có thể cảm nhận bằng cảm xúc. Và đằng sau những ca từ của nhạc Trịnh luôn toát lên một chữ “Tâm” cho dù người nghe có khi không hiểu hết ý nghĩa và nguồn gốc ca từ đó. Nó không hề lên gân, gào thét, mà ngược lại lan tỏa nhẹ nhàng như sóng trong không gian, như lời ru của Mẹ để “chạm” vào tần số riêng tư trong trái tim mỗi người và những cõi tình mêng mông của kỷ niệm.
Khi nghiên cứu sâu nhạc Trịnh, tôi rất mê những ca từ của ông và đặc biệt khi hiểu thêm về ngữ cảnh ra đời của từng câu hát, ta cảm thấy như lạc lối vào một nơi chốn khác, tràn đầy tình yêu thương. Mỗi khi chọn hát một bài nào đó trong album hay show diễn, tôi đều tự viết lời ra một cuốn sổ riêng, cảm nhận rất nhiều bí ẩn sau từng chữ viết. Vì ca từ của ông quá đẹp nên tay tôi cũng phải nắn nót theo từng câu chữ. Thế là việc học lời hát bỗng nhiên trở thành… luyện chữ.
Nói như vậy thì nhạc Trịnh đi vào lòng người chủ yếu là nhờ ca từ chứ không phải giai điệu?
Không, không thể tách rời ca từ và giai điệu trong nhạc Trịnh. Có những nhạc sĩ chỉ sáng tác nhạc, phần lời do người khác viết. Nhưng với Trịnh Công Sơn, ông hầu như rất hiếm khi phổ thơ của người khác. Nhạc và lời của ông được viết như dòng suối tuôn trào ra cùng một lúc, hòa quyện vào nhau, cùng lan tỏa, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người, và mang đậm hơi thở của thời đại.
Yêu nhạc Trịnh như vậy, lại từng nổi danh với “thương hiệu” Ca sỹ Thái Hòa, sao anh không theo nghề ca sỹ mà lại rẽ ngang sang nghề… chiến lược?
Tôi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc ở Canada, sau đó được mời làm Phó giám đốc hoạch định sản xuất và quản lý chất lượng của tập đoàn Schneider Electric. Dừng chân với Schneider 13 năm để đi hết chuỗi giá trị, chất lượng của một tập đoàn toàn cầu. Hiện nay, tôi lại là Giám đốc chiến lược của FPT, một tập đoàn Công nghệ thông tin nhiều tham vọng của Việt Nam. Đích đến của người được học hành là tri thức, tôi luôn cố gắng rèn luyện để trở thành một trí thức, thở bằng hơi thở thời đại, sống có trách nhiệm và biết đau với thân phận con người.
Tôi đến với âm nhạc từ bé qua việc học Piano cô điển. Tôi yêu âm nhạc và luôn coi đó là chốn trú ẩn để cân bằng cuộc sống, thật sự chưa bao giờ coi âm nhạclà “nghề” của mình. Tôi hát nhạc Trịnh trên các sân khấu, trong các chương trình tưởng niệm, từ thiện vì mong muốn đem cái đẹp của nhạc Trịnh đến với đông đảo khán giả, mang lại cho họ sự hướng thiện và yêu đời hơn.
Và có phải cũng vì mong muốn mang lại cho mọi người sự khát khao và lạc quan mà anh đã nhận lời giảng dạy môn Chiến lược tại các lớp Mini MBA của Viện Quản trị Kinh doanh (FSB)?
Năm 2007, khi được mời tham gia chương trình “Người Đương thời” trên VTV3, tôi đã kể về về “Giấc mơ Việt Nam” của một người con xa xứ. Sau khi chương trình phát sóng, tôi nhận được hàng trăm Email, lời bình của các bạn trẻ Việt Nam, thể hiện sự xúc động và tin tưởng của họ. Về nước làm việc, tôi mong muốn giấc mơ Việt Nam của mình lan tỏa đến tất cả các bạn trẻ, truyền cho họ lòng nhiệt huyết và niềm tin, để tất cả cùng chung tay đưa nước Việt Nam đi lên vì cuộc sống chung quanh ta vẫn luôn rất tươi đẹp.
Và vì thế, tôi nhận lời dạy cho các chương trình của Viện Quản trị Kinh doanh (FSB), nơi quy tụ những doanh nhân, những nhà quản lý trẻ của Việt Nam, những người có ảnh hưởng lớn tới tổ chức của họ, những doanh nghiệp đang tạo ra vật chất xã hội và là nên tảng để hội nhập quốc tế. Tôi hy vọng, giấc mơ của tôi sẽ lan tỏa tới các nhà quản trị và tới nhân viên của họ.
Nhiều học viên các lớp Mini MBA của Viện Quản trị Kinh doanh (FSB) có chung nhận xét trong phiếu đánh giá “Thầy Thái Hòa đã mang lại cho tôi sự tự tin, yêu đời và khát khao phấn đấu”. Có phải là nhờ nhạc Trịnh mà anh đã truyền được cảm xúc này?
Tôi đã đặt chân đến 20 quốc gia, không phải đi du lịch mà là đi làm việc. Tôi trải qua nhiều vị trí, ở các tập đoàn quốc tế, chứng kiến nhiều câu chuyện kinh doanh và thực tiễn dịch chuyển chuỗi giá trị từ Tây sang Đông trong 2 thập kỷ qua, nên những bài giảng của tôi luôn mang đậm tính thực tiễn. Tôi giảng theo kiểu vừa đồng hành vừa kể chuyện của mình cho học viên nghe những câu chuyện “làm thật” của các tập đoàn mà tôi đã tham gia, cho học viên được cùng tôi “chạm” vào thực tế của các doanh nghiệp, và quan trọng là họ luôn thấy bóng hình mình đâu đó trong các câu chuyện của tôi, để từ đó họ có niềm tin cùng tôi tìm lời giải cho những tình huống khó khăn. Tôi luôn khuyến khích các em tự tìm lời giải tốt nhất cho riêng mình, bởi để chê trách thì ai cũng làm được, nhưng để tìm ra đáp án thì không đơn giản chút nào. Cái đáng lo nhất của chúng ta là sự tự ti và mất niềm tin vào những điều tốt đẹp của thế hệ trẻ.
Và trong những giờ học đầy gian nan đó, tôi hay tiếp năng lượng cho học viên bằng những bản nhạc Trịnh. Có lẽ vì thế mà các em cảm thấy hưng phấn hơn và giờ học cũng nhẹ nhàng hơn. Dần dần tôi phát hiện ra nhiều điểm tương đồng của nhạc Trịnh trong mọi công việc của mình. Bạn có thấy rằng khi hát nhạc Trịnh, ai cũng thấy mình trong đó không? Nhạc Trịnh cũng giống như triết lý kinh doanh, làm quản lý chất lượng sẽ luôn phải hướng thiện.
Và việc tham gia dự án đào tạo “10 ngàn nhà quản trị đẳng cấp” của Viện Quản trị Kinh doanh (FSB) cũng là một cách để anh làm lan tỏa giấc mơ Việt của mình vào hồn các doanh nhân Việt như cách nhạc Trịnh đã đi vào lòng công chúng?
Tôi nghĩ có thể đây là một sân chơi tốt, đầy tham vọng, và mong gắn kết các doanh nghiệp lại với nhau, tạo cho họ những cơ hội hợp tác mới. Chương trình “10 ngàn nhà quản trị đẳng cấp” không chỉ đơn giản là đào tạo nhà quản trị mà còn “dõi” theo doanh nghiệp, hỗ trợ, tư vấn cho họ những khi cần thiết cũng như mang lại cho nhà quản lý những “Của để dành”. Tôi mong muốn, chương trình sẽ đi vào cuộc sống một cách giản dị, mộc mạc, mang lại tính “ngộ” cao một cách “hữu xạ tự nhiên hương”như cách nhạc Trịnh đã đi vào cuộc sống.
Và cuối cùng, một lời nhắn nhủ dành cho các nhà quản lý ViệtNam bằng một câu hát của nhạc Trịnh…?
“Sống trong đời sống cần có 1 tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…” Nếu ai mà “ngộ” đến hết ý “để gió cuốn đi” trong bài hát cùng tên ấy, là người đó đã “ngộ” được nhiều điều sâu kín trong nhạc Trịnh.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này. Và tin rằng, những chia sẻ của anh sẽ được gió cuốn đi và lan tỏa vào cuộc sống!
*Thông tin về Dự án Đào tạo 10.000 Nhà quản trị Đẳng cấp.
Đơn vị khởi xướng và thực hiện: Viện Quản trị Kinh doanh (FSB), Trường ĐH FPT
Thời gian đào tạo: 2013 – 2015
Tổng kinh phí hỗ trợ: 300 tỷ vnđ
Chiến lược đào tạo: 3 giai đoạn đào tạo – 3 năm đồng hành.
Chiêu sinh khóa mới: 15/04/2013 đến 25/05/2013.
Địa điểm chiêu sinh: Trên toàn quốc.
Hình thức tham gia: vui lòng truy cập website: www.FSB.edu.vn/Pub.
*Một số chương trình sắp khai giảng
Mini MBA – Tinh hoa quản trị thực hành của CEO khai giảng ngày 11/05/2013 (TP.HCM) và 18/05/2013 (Hà Nội).
CCO – Giám đốc kinh doanh thực hành khai giảng 23/05/2013 (TP.HCM) và 16/05/2013 (Hà Nội).
CFO – Giám đốc tài chính khai giảng ngày 07/06/2013 (Hà Nội) và 10/06/1013 (TP.HCM).
CHRO – Giám đốc nhân sự khai giảng ngày 31/05/2013 (TP.HCM)