Thời của quỹ ETF nội địa?
Vốn ngoại chiếm đến 91% vốn của ETF VFMVN30
Sáng ngày 24.10, Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) đã chính thức đưa 9,8 triệu chứng chỉ quỹ ETF SSIAMVNX50 lên niêm yết trên TP.HCM (HOSE). Mục đích là để gia tăng quy mô và thanh khoản cho quỹ.
Qũy ETF SSIAMVNX50 là quỹ nội địa thứ 2 của Việt Nam, có tiền thân từ quỹ ETF SSIAMHNX30, được thành lập năm 2014. Khi mới hoạt động, quỹ mô phỏng chỉ số HNX30 của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Cùng với chủ trương hợp nhất 2 Sở giao dịch, một số cổ phiếu lớn trong rổ HNX30 đã và sắp chuyển sàn niêm yết sang HOSE. Điều này khiến cho chỉ số HNX30 trở nên bớt hấp dẫn. Chính vì thế, tháng 8 năm nay, quỹ ETF SSIAM HNX30 quyết định đổi tên và thay đổi mục tiêu đầu tư sang mô phỏng chỉ số VNX50.
Qũy ETF SSIAMVNX50 do 4 thành viên sáng lập, gồm Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Công ty chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) và Công ty chứng khoán VNDirect (VNDS). Theo bà Lê Lệ Hằng, Tổng giám đốc SSIAM, cho đến thời điểm này, nguồn vốn của quỹ ETF SSIAMVNX50 đều từ trong nước và chủ trương của Qũy cũng hướng đến dòng vốn nội địa.
Điều này khác với quỹ ETF nội địa đầu tiên của Việt Nam là quỹ ETF VFMVN30 do Công ty quản lý Qũy Vietfund (VFM) quản lý. Theo bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Phó Tổng giám đốc VFM, vốn ngoại chiếm đến 91% nguồn vốn của quỹ ETF VFMVN30. Ưu điểm của thu hút vốn ngoại là qũy đầu tư gọi được vốn nhanh chóng, ở quy mô lớn. Chẳng hạn, so với mục tiêu huy động vốn lần đầu là 100 tỉ đồng thì con số thực tế của quỹ ETF VFMVN30 trong giai đoạn IPO lên tới 202 tỉ đồng, tức xấp xỉ 10 triệu USD. Đến thời điểm này, quy mô tài sản của quỹ ETF VFMVN30 đã trên 1000 tỉ đồng và kỳ vọng có thể đạt tới con số 1500 tỉ đồng vào cuối năm nay.
Việc phụ thuộc dòng vốn ngoại có thể đẩy hoạt động của quỹ ETF VFMVN30 vào rủi ro bị động nếu nước ngoài rút vốn. Đây chính là lý do để SSIAM ưu tiên tìm kiếm nguồn lực trong nước. Nhưng phía VFM cho rằng, rủi ro bị rút vốn từ dòng tiền ngoại sẽ chưa xảy ra, vì nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất quan tâm và ưa thích đầu tư vào các cổ phiếu có tính đại diện cao. Chẳng hạn, nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 đang đại diện tới 70-80% giá trị giao dịch toàn thị trường.
Nhưng theo VFM, ở nhóm cổ phiếu thuộc rổ VN30, có đến 24% cổ phiếu đã không còn room (tỉ lệ sở hữu) dành cho nước ngoài. Điều này giới hạn cơ hội tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Nếu vẫn muốn tham gia, khối ngoại có thể chọn cách thức đầu tư thông qua con đường mua chứng chỉ quỹ ETF. Cái lợi của hình thức đầu tư này, theo bà Lương Thị Mỹ Hạnh còn nằm ở chỗ không cần nghiên cứu lựa chọn cổ phiếu cụ thể và chỉ cần một lượng vốn nhỏ là có thể tham gia.
Đặc biệt, chi phí đầu tư vào ETF rẻ, chỉ khoảng 1,08-1,09% so với mức 3-5% của đầu tư chứng chỉ quỹ thông thường. Tính minh bạch cũng cao hơn khi danh mục đầu tư của quỹ ETF được công khai, trong khi danh mục của quỹ mở lại bảo mật. Giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ ETF được cập nhật hàng ngày, liên tục trong thời gian giao dịch, còn giao dịch quỹ mở báo cáo NAV định kỳ (thường theo tuần).
Nguồn tiền đổ vào quỹ ETF sẽ gia tăng
Thực tế, nghiên cứu từ VFM cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam đang dẫn đầu khu vực ASEAN về tăng trưởng, vượt qua Thái Lan, Philippines. Riêng dòng tiền khối ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã có sự đột biến, khoảng 630 triệu USD, chỉ đứng sau Malaysia về thu hút vốn ngoại.
Sắp tới, ông Steven Mantle, Giám đốc gây quỹ nước ngoài của VFM, nhận định, chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để đi lên, bứt phá khi các yếu tố như tăng trưởng GDP, lạm phát, lãi suất, tỉ giá, dòng vốn FDI.. đang diễn tiến theo chiều hướng tích cực, ổn định. Và thị trường cũng đang có những bước chuyển về quy mô hàng hóa, cải thiện, cởi mở hơn trong quy định giao dịch, thanh toán.. dành cho nhà đầu tư nước ngoài.
Đây là những lý do để loại hình quỹ ETF nội địa ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ. Theo số liệu từ SSIAM, trong 9 tháng đầu năm 2017, quỹ ETF SSIAMVNX50 đã tăng trưởng 32%. Đây cũng là con số tăng trưởng của quỹ ETF VFMVN30 tính đến hiện tại. Tất cả đều tăng vượt trội so với đà tăng VNIndex (tăng 21%)
Trong tương lai, bà Lê Lệ Hằng tin tưởng, khi nhà đầu tư nhìn thấy rõ ràng hơn ưu điểm và lợi thế của quỹ ETF thì nguồn tiền đổ vào quỹ ETF sẽ gia tăng. Còn phía VFM cho biết Công ty sẽ xem xét lập thêm các quỹ ETF mới, với mục tiêu thành lập tối thiểu lập 5 quỹ ETF trong 5 năm tới, căn cứ theo nhóm cổ phiếu chỉ số ngành, hoặc chỉ số cổ phiếu tăng tốt hơn VN30...