Thứ Hai | 21/07/2014 11:29

Thời của ngân hàng di động

Các ngân hàng ngày càng tung ra nhiều dịch vụ trên nền tảng di động, chi phí hoạt động theo đó được tối ưu hóa, tận dụng được thị hiếu.
Không phải ngẫu nhiên mà mô hình Chuyển tiền qua điện thoại ở Kenya được xem là bài học thành công trên thế giới. M-PESA, tên gọi của dịch vụ chuyển tiền này, ra mắt vào năm 2007 thì đến năm 2013 đã có đến 17 triệu người dân Kenya, tương đương 2/3 dân số, sử dụng dịch vụ.
Từ câu chuyện ở Kenya

Trên thực tế, Safaricom, hãng viễn thông sở hữu M-PESA, ban đầu muốn cung cấp những khoản cho vay tiêu dùng vi mô. Tuy nhiên, sau khi thử nghiệm, hãng này quyết định thay bằng một dịch vụ cơ bản của ngân hàng, đó là chuyển tiền.

Bài học Kenya cho thấy dịch vụ chuyển tiền đặc biệt hữu dụng ở những quốc gia đang phát triển, nơi dân nhập cư ở những thành phố lớn thường xuyên chuyển tiền về cho gia đình và người thân, theo tờ The Economist.

Việt Nam cũng là một quốc gia đang phát triển và đang trong tình huống tương tự, nhưng cách thức phát triển dịch vụ ngân hàng lại khác nhiều so với Kenya. Ở Việt Nam, các ngân hàng đầu tư xây dựng ứng dụng riêng để phục vụ cho khách hàng của mình. Theo Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước, hiện có khoảng 40 ngân hàng thương mại có dịch vụ Internet Banking và 19 ngân hàng thương mại đang cung cấp dịch vụ Mobile Banking. Trong đó, dịch vụ Mobile Banking được xem là bước đi thứ hai, sau khi nền tảng Internet Banking đã đi vào hoàn thiện.
Đến xu hướng mobile banking tại Việt Nam

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt là một ví dụ. Ngân hàng này vừa giới thiệu ứng dụng Viet Capital Mobile Banking vào giữa tháng 7 vừa qua. Bản Việt nằm trong số ít các ngân hàng cung cấp cho khách hàng một ứng dụng độc lập riêng, trong đó khách hàng có thể tương tác, thực hiện các giao dịch ngân hàng trực tiếp trên điện thoại di động hoặc máy tính bảng.

Giống như các ngân hàng khác, ứng dụng Mobile Banking mà Bản Việt giới thiệu được xem là một phiên bản ”ngân hàng bỏ túi” với đầy đủ các dịch vụ ngân hàng cơ bản như chuyển tiền giữa các tài khoản trong và ngoài hệ thống (thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, mua vé máy bay…), nạp tiền điện thoại di động hay mở và tất toán tài khoản tiền gửi online. Mọi giao dịch được hoàn thành chỉ bằng vài thao tác trên màn hình điện thoại di động hoặc máy tính bảng.

Những lợi ích từ ứng dụng Mobile Banking mà các ngân hàng hiện mang lại cho khách hàng khá rõ ràng, đó là tiết kiệm được chi phí giao dịch ở ngân hàng, gồm cả chi phí di chuyển và chi phí thời gian. Những giao dịch thông qua ứng dụng trên điện thoại, máy tính bảng có thể dễ dàng hoàn thành ở bất kỳ đâu và bất kỳ khoảng thời gian nào trong ngày. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, thu nhập của những hộ gia đình sử dụng dịch vụ M-PESA ở Kenya được cải thiện từ 5-30% nhờ tiết kiệm chi phí giao dịch với ngân hàng.

Về phía ngân hàng, việc đưa các giao dịch cơ bản lên “đám mây trực tuyến” cũng giúp họ tiết kiệm được nhiều chi phí, đặc biệt đối với những ngân hàng có ít chi nhánh, phòng giao dịch. Chi phí hoạt động theo đó được tối ưu hóa vì ngân hàng không cần nhiều nhân viên và phòng giao dịch.

Ở Việt Nam, lượng thiết bị di động đang tăng nhanh. Việc sử dụng dịch vụ thông qua các thiết bị này cũng tăng theo. Nắm bắt xu hướng này, các ngân hàng thương mại đang ngày càng tung ra nhiều dịch vụ trên nền tảng di động. Và nền tảng ứng dụng di động thiết lập ngày hôm nay sẽ hỗ trợ cho việc phát triển các dịch vụ ngân hàng cao cấp hơn trong tương lai.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư


Sự kiện