Thời của lãi suất tăng cao đã đến?
Đã tới lúc các định chế tài chính phải chuẩn bị cho môi trường lãi suất tăng cao, đó là quan điểm của ông Andreas Dombret, một thành viên điều hành tại ngân hàng trung ương Bundesbank của Đức.
Theo Dombret, nhiều nhà quản trị rủi ro thường chỉ chú ý tới rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng, nhưng bây giờ là lúc họ cần phải thêm rủi ro lãi suất vào công thức quản trị rủi ro của mình.
Ông Dombret cho rằng: "Có nhiều nhà quản trị rủi ro chưa bao giờ phải đối mặt với việc lãi suất tăng lên. Những ai chưa bao giờ chứng kiến hay thậm chí nghĩ về rủi ro lãi suất, và chỉ chú ý tới rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản, thì cần phải biết rằng đây là lúc phải chuẩn bị cho những thay đổi tiềm tàng".
Dombret giải thích rằng Bundesbank đang xem xét một cách "rất nghiêm túc" và "chủ động" phối hợp với các ngân hàng tại Đức để đảm bảo rằng việc thay đổi chính sách tiền tệ sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động của các ngân hàng này. Được biết, ông Dombret từng là phó chủ tịch của chi nhánh châu Âu thuộc bộ phận đầu tư toàn cầu của ngân hàng Bank of America,
Dombret cho biết thêm: "Nếu lãi suất tăng mạnh, thì dĩ nhiên đó sẽ là một thách thức cho bất cứ ngân hàng nào".
Các thành viên của Bundesbank đã chỉ trích việc duy trì lãi suất quá thấp tại khu vực đồng euro, và cho rằng nó ảnh hưởng tiêu cực đến bảng cân đối của các ngân hàng. Vào đầu tháng này, chủ tịch Bundesbank là Jens Weidmann đã kêu gọi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) nên bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ.
Cẩn thận với Brexit "cứng"
Một rủi ro nữa mà các ngân hàng phải đối mặt là Brexit (Anh rời EU) và những bất ổn xung quanh tương lai của ngành dịch vụ tài chính.
Ông Dombret đã nói với CNBC rằng: "Những gì tôi đã nghe và đã đọc thấy đều cho thấy là chúng ta phải đối mặt với kịch bản Brexit "cứng", và đó là tình thế cơ bản (baseline scenario) mà chúng ta phải chuẩn bị cho tương lai sắp tới"
Ông khuyên các ngân hàng muốn làm ăn tại EU và chưa có giấy phép phải chủ động tìm kiếm phương cách triển khai các dịch vụ của mình trong EU. Và ông nói thêm rằng việc đảm bảo rằng các công ty Châu Âu và công chúng có thể tiếp tục được tiếp cận các dịch vụ tài chính "rất tốt" tại London là khá quan trọng.
Ông Dombret nói rằng: " Đừng quên rằng City of London, vốn là trung tâm tài chính lớn nhất tại Châu Âu, sẽ tiếp tục là một trung tâm tài chính rất trọng yếu. Tôi cho rằng trong nửa đầu năm nay tất cả những quyết định về việc có di dời văn phòng khỏi London hay không sẽ được đưa ra, nhưng dĩ nhiên là việc di dời này chỉ diễn ra một phần. Tôi cũng tin rằng không chỉ Frankfurt mà các nơi khác trong EU cũng hưởng lợi từ việc này".
Bá Ước
Nguồn CNBC