Ảnh: TL

 
Quỳnh Anh Thứ Ba | 24/03/2020 08:29

Thời Covid-19, tiền mặt là vua, và đây là những ông vua tiền mặt trên sàn chứng khoán Việt Nam

Tiền mặt là vua, là câu nói thịnh hành khi dịch Covid-19 hoành hành như hiện nay...

Thời dịch covid-19, hầu như hoạt động kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp bị ngưng trệ. Các doanh nghiệp có nợ nhiều, sẽ gặp áp lực trả nợ ngân hàng. Nhưng cũng có một số doanh nghiệp, trong quá trình kinh doanh hiệu quả của mình, với dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh dương, đã tích lũy một lượng tiền mặt khá lớn. Đây có lẽ là một yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp này, để triển khai kế hoạch kinh doanh, sau khi dịch Covid-19 kết thúc. Sau đây là một số doanh nghiệp như vậy

Đầu tiên là phải kể đến CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM). Con gà đẻ trứng vàng của các cổ đông trong hơn 1 thập niên qua, hiện có lượng tiền (gồm tiền mặt và tiền gửi ngân hàng) lên tới gần 15.000 tỷ đồng (số liệu tại thời điểm kết thúc năm 2019). Dù dịch covid-19 có thể ảnh hưởng tới kế hoạch mở rộng thị trường sang Trung Quốc của ông vua ngành sữa nhưng thị trường trong nước lại có một số yếu tố thuận lợi cho công ty này. Cụ, thể trong một báo cáo gần đây, CTCP chứng khoán Bản Việt cho biết, trong phiên đấu giá gần nhất của Global Dairy Trade, giá bột sữa gầy (SMP) và bột sữa nguyên kem (WMP) lần lượt giảm 8% và 4%. VCSC cho rằng giá bột sữa giảm đến từ (1) tâm lý kém tích cực của thị trường trong bối cảnh bùng phát dịch COVID-19, (2) giá dầu thấp và (3) một số tín hiệu phục hồi nhẹ từ sản xuất sữa toàn cầu dù tăng trưởng nguồn cung vẫn khá hạn chế ở thời điểm hiện tại.

Theo VCSC, tính từ ngày 07/01/2020 đến nay, giá SMP đã giảm 16% trong khi giá WMP giảm 11%. Công ty chứng khoán có trụ sở tại TPHCM lưu ý rằng đến giữa tháng 2/2020, VNM đã chốt giá bột sữa cho sản xuất đến tháng 3/2020. Do đó, việc giá bột sữa giảm sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận gộp của VNM trong những tháng tiếp theo so với quý 1/2020. Mới nhất, nhiều lãnh đạo của vua sữa đã vung tiền để mua vào, đây có thể là động thái cứu giá, nhưng cũng cho thấy các vị lãnh đạo này tin tưởng mạnh mẽ vào triển vọng kinh doanh của công ty mình.

Với vua cá tra Vĩnh Hoàn, tiền mặt luôn là điểm nhấn chính trong bảng cân đối kế toán của công ty này, bên cạnh các báo cáo bán hàng luôn tích cực trong thời gian qua. Công ty của bà Trương Thị Lệ Khanh đã tích lũy được lượng tiền mặt gần 1.300 tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng tài sản của công ty.

Công ty cổ phần Coteccons hiện cũng đang nắm giữ lượng tiền mặt hơn 4.000 tỷ đồng, đáng chú ý là công ty hầu như không vay nợ. Dù hiện nay tình hình kinh doanh của công ty những năm gần đây không khả quan do sự suy giảm chung của ngành xây dựng, nhưng lượng tiền khủng ở trên cũng có thể giúp công ty có dư địa để triển khai các kế hoạch kinh doanh sắp tới.

Nhưng nếu nói về vua tiền mặt không thể không nhắc đến Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCOM: ACV). Tính đến cuối năm 2019, ACV có hơn 31.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, chiếm lần lượt 81% tài sản ngắn hạn và 51% tổng tài sản. Tiền trong két của ACV đã tăng trưởng hơn 30% so với số đầu năm 2019 nhờ không phát sinh các khoản đầu tư trọng yếu mới, các khoản tái đầu tư nâng cấp nhà ga chỉ ở dạng nhỏ giọt, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dương mạnh do không phát sinh thêm lỗ tỷ giá cũng như doanh thu tài chính phát sinh từ lãi gửi ngân hàng tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.

► Khi nhà giàu giữ tiền!

► Phải chăng tiền mặt là vua khi dịch Covid-19 hoành hành?

► “Tại thời điểm này không có tài sản nào an toàn trừ tiền mặt”

► Làm thế nào để giữ tiền của bạn an toàn khi thị trường hoảng loạn vì virus corona?