Thoái vốn và lộ trình niêm yết của PVComBank
Hoạt động thoái vốn của PVComBank
Từ đầu năm 2014 đến giữa tháng 9/2014, nhóm cổ phiếu dầu khí đã có mức tăng ấn tượng xấp xỉ 45%. Mức tăng này vượt trội hơn hẳn mức 24% của VN-Index và 32% của HNX-Index. Hầu hết các mã cổ phiếu ngành dầu khí đều tăng mạnh, có thể kể đến các mã đầu ngành như PVS (+114,3%), PVD (+90,8%), PVC (+180%), GAS (+79%)…
Có thể thấy nhóm dầu khí là nhóm ngành dẫn dắt cho sóng tăng của thị trường nói chung và chỉ số VN-Index nói riêng kể từ sau biến động Biển Đông, tuy nhiên nhóm dầu khí đã bị điều chỉnh từ giữa tháng 9 trở đi với các mã cổ phiếu bị bán tháo trên diện rộng.
Diễn biến chỉ số của nhóm ngành dầu khí, VN-Index và HNX-Index |
Trong khoảng thời gian cuối từ tháng 9 đến đầu tháng 10, khi đa số các mã dầu khí đạt mức đỉnh của năm và bắt đầu bị phân hóa mạnh, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVComBank) đã bắt đầu bán ra các cổ phiếu thuộc họ dầu khí.
Đối với cổ phiếu PVS, PVComBank đã có 2 đợt bán ra. Ngày 4/9, Ngân hàng này đã bán ra 5 triệu cổ phiếu PVS và tiếp tục đăng ký bán ra 10 triệu cổ phiếu từ ngày 22 đến 29/9, tuy nhiên chỉ có hơn 7 triệu cổ phiếu được bán ra do thị trường chưa phù hợp. Sau 2 giao dịch trên, số lượng cổ phiếu PVS mà PVComBank nắm giữ là hơn 14 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ là 3,14%.
PVComBank cũng đã có 2 đợt thoái vốn cổ phiếu PVD. Ngày 5/9, Ngân hàng này đã bán thỏa thuận 4 triệu cổ phiếu PVD, làm giảm số lượng nắm giữ từ 8,55 triệu đơn vị xuống còn 4,55 triệu đơn vị, tương ứng giảm tỷ lệ sở hữu từ 3,1% xuống còn 1,65%. Tiếp đó, từ ngày 19/9 đến 3/10, PVComBank tiếp tục bán thành công 4,55 triệu cổ phần, làm giảm số lượng nắm giữ xuống còn hơn 855 ngàn đơn vị, tỷ lệ sở hữu theo đó giảm xuống còn 0,31%.
Biến động giá cổ phiếu PVS |
Biến động giá cổ phiếu PVD |
Ngày 3/10 vừa qua, PVComBank đã bán gần 2,6 triệu cổ phiếu PVT, giảm số lượng nắm giữ từ 21,28 triệu đơn vị xuống còn 18,7 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ sở hữu giảm từ 8,32% xuống còn 7,31%.
Ngày 6/10, Ngân hàng này cũng đã bán 810 ngàn cổ phiếu PCT, giảm tỷ lệ sở hữu từ 8,77% xuống còn 5,25%. PVComBank còn thoái vốn tại các Công ty thuộc ngành dầu khí khác như PV2, PVV, PVL…
Lộ trình niêm yết của PVComBank
Đến tháng 10/2014 là tròn 1 năm PVComBank thành lập trên cơ sở hợp nhất Tổng Công ty cổ phần Tài chính Dầu khí (PVFC) và ngân hàng TMCP Phương Tây (Western Bank).
Thừa hưởng danh mục đầu tư tài chính của PVFC, đặc biệt là nhiều mã dầu khí như PVS, PVT, PVD có giá vốn rất thấp, nắm bắt cơ hội từ sóng dầu khí, PVcomBank thoái vốn một loạt các công ty dầu khí như PVS, PVD, PVT, PCT. Điều này giúp PVComBank thu 700 tỷ đồng từ hoạt động thoái vốn trong quý III/2014.
Báo cáo lợi nhuận quý 3 của ngân hàng mẹ PVComBank |
Lợi nhuận từ thoái vốn nhóm cổ phiếu dầu khí giúp PVComBank có lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm trong khi thu nhập lãi thuần hay lãi từ dịch vụ đều lỗ. Nếu PVcomBank duy trì lợi nhuận cả năm 2014 thì hoàn toàn đủ điều kiện niêm yết HNX.
Theo nghị định 59, điều kiện niêm yết trên HOSE, PVComBank phải duy trì lợi nhuận 2 năm liên tục từ lúc thành lập và đảm bảo các tiêu chi về ROA và ROE. Bàn đạp lợi nhuận từ việc thoái vốn sẽ giúp cho Ngân hàng này đáp ứng các tiêu chuẩn của HOSE.
Nguồn DVO