Thứ Hai | 21/07/2014 17:34

Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai mới có hiệu lực từ 17/7

CMIM là một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ đa phương giữa các nước trong khu vực ASEAN+3, quy mô quỹ mới được tăng gấp đôi lên 240 tỷ USD.
Ngày 17/7/2014, Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM) mới đã được các nước thành viên ASEAN+3 (bao gồm ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc) tuyên bố chính thức có hiệu lực.

CMIM là một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ đa phương giữa các nước trong khu vực ASEAN+3, đã được ký kết vào năm 2009 và có hiệu lực từ năm 2010. CMIM ra đời với mục tiêu cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính nhằm giải quyết khó khăn về cán cân thanh toán và những khó khăn về thanh khoản ngắn hạn trong khu vực; và bổ sung cho các thỏa thuận tài chính quốc tế hiện có.

Năm 2012, nhằm thực hiện chủ trương tăng cường tính hiệu quả của CMIM và mở rộng hơn nữa vai trò tích cực và tầm ảnh hưởng của Sáng kiến này trong khu vực, ASEAN+3 đã xây dựng Thỏa thuận CMIM mới thay thế cho Thỏa thuận trước đây.

So với Thỏa thuận CMIM năm 2010, quy mô Quỹ CMIM mới đã được tăng gấp đôi từ 120 tỷ USD lên 240 tỷ USD, đồng thời Thỏa thuận CMIM mới đã bổ sung thêm cơ chế ngăn ngừa khủng hoảng bên cạnh cơ chế xử lý khủng hoảng hiện hành. Bên cạnh đó, tỷ lệ cho vay, thời hạn vay đối với các khoản vay xử lý khủng hoảng CMIM cũng được cải thiện đáng kể.

Là biểu trưng cho sự thành công của hợp tác tài chính, tiền tệ ASEAN+3, Thỏa thuận CMIM mới thể hiện quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo cấp cao khu vực trong cam kết hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau ở mức độ cao hơn và chặt chẽ hơn giữa các nước nhằm đối phó với những rủi ro và thách thức của kinh tế toàn cầu.

Nguồn Theo DVO/SBV


Sự kiện