Masan xây dựng thêm Tổ hợp chế biến thịt heo sạch tại Long An. Ảnh: TL.

 
Ngọc Thủy Thứ Hai | 05/10/2020 14:00

Thịt heo bày thế trận cạnh tranh trong EVFTA

Các khoản đầu tư mở ra những thay đổi cho thị trường trị giá hơn 10 tỉ USD.

Đầu tháng 10, Công ty MEATDeli Sài Gòn (thuộc Masan) chính thức đưa vào vận hành tổ hợp chế biến thịt tại Long An. Tổng vốn đầu tư dự án là 1.800 tỉ đồng, trên diện tích hơn 20,2 ha. Ở giai đoạn 1, Masan chi ra 1.400 tỉ đồng để đầu tư cho khu vực giết mổ, chế biến thịt heo, thịt heo mát các loại với công suất 140.000 tấn thịt/năm.

Ngoài ra, nhà máy cũng chế biến sản xuất các sản phẩm từ thịt như thịt kho trứng, giò lụa, chà bông, các sản phẩm khác từ thịt với quy mô 15.000 tấn/năm. Sang giai đoạn 2, nhà máy Long An của Masan sẽ gia tăng quy mô chế biến các sản phẩm từ thịt lên gần gấp đôi (25.000 tấn/năm) và mở rộng sang mảng chế biến phụ phẩm từ heo như bột huyết, huyết tương, colagen, bột thịt xương với quy mô 140.000 tấn/năm... Với nhà máy mới ở Long An, lãnh đạo MEATDeli kỳ vọng, hệ thống thịt mát Masan sẽ phủ rộng tại thị trường miền Nam, giảm tải chi phí và thời gian vận chuyển.

 

Không riêng Masan, trước đó vài ngày, ông trùm “gà lạnh” Hùng Nhơn cũng đã làm cú bắt tay ngàn tỉ đồng với Tập đoàn De Heus của Hà Lan để xây Tổ hợp “Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk". Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Hùng Nhơn Group, cho biết, dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 66 triệu USD (khoảng 1.500 tỉ đồng) này sẽ thực hiện đến năm 2025. 

Sau khi dự án đi vào hoạt động, Tổ hợp sẽ cung cấp ra thị trường mỗi năm khoảng 25.000 con heo bố mẹ và heo hậu bị cũng như sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón theo hướng hữu cơ; thương mại các sản phẩm chăn nuôi, trở thành nhà cung cấp heo giống chất lượng cao hàng đầu cho 5 tỉnh Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ, hướng tới xuất khẩu sang Đông Nam Á… Lâu dài hơn, De Heus và Hùng Nhơn cùng hướng tới xây dựng 1 chuỗi giá trị cùng vùng an toàn dịch bệnh tại Đắk Lắk và các vùng phụ cận.

Có thể thấy, các đại gia quyết tâm chơi lớn trong đầu tư vào ngành chăn nuôi chế biến thịt. Theo lãnh đạo Hùng Nhơn, Tổ hợp  DHN Đắk Lắk ứng dụng công nghệ tiêu chuẩn quốc tế, do Skiold cung cấp giải pháp.  Đây là một tập đoàn đa quốc gia, có trụ sở tại Đan Mạch với trên 140 năm kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực cung cấp giải pháp, thiết bị trang trại. Hay nhà máy Long An của Masan được xem là dự án theo chuẩn châu Âu và hiện đại bậc nhất tại Việt Nam, với dây chuyền chế biến thịt được cung cấp bởi Marel, công ty hàng đầu thế giới về thiết bị giết mổ, chế biến thịt.

Ảnh: TL.
Ảnh: TL.

Về phía GreenFeed cũng đã thiết lập chuỗi 3F Plus (Feed - Farm - Food) và xây dựng thương hiệu thịt sạch thịt mát G Kitchen. “Chúng tôi nhận sự hỗ trợ của công ty hàng đầu thế giới về di truyền giống, PIC (Pig Improvement Company) và hiện có những giống heo riêng, sở hữu các trang trại, nhà máy giết mổ, công ty vận chuyển”, ông Lý Anh Duy Quang, Chủ tịch Ngành Thực phẩm GreenFeed,  cho biết. Đối với Thado, đầu năm 2020, Công ty đã bắt tay với Hùng Vương với kế hoạch nuôi 1,2 triệu con heo thịt mỗi năm theo tiêu chuẩn châu Âu.

Các thương hiệu này và các doanh nghiệp cùng ngành như Vissan, CP Việt Nam, Hòa Phát, Vilico, Mitraco... đều quan tâm đến ngành thịt, bởi đây là ngành có nhiều tiềm năng. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong  rổ thực phẩm của người Việt hiện nay, đến 65-70% là thịt heo. 

Nhiều báo cáo cho thấy, người Việt vẫn đang tiêu thụ thịt ở mức 33,5kg/người/năm, thấp hơn mức trung bình thế giới (40kg/người/năm) và ít hơn so với Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu. Trong khi đó, vì nhiều khâu trung gian, theo đánh giá sơ bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thịt heo đến tay người tiêu dùng đã bị đội giá lên 30-40% và thường đắt hơn 1,5-2 lần cho thịt cùng loại và tiêu chuẩn với người Mỹ. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là câu chuyện đáng ngại.

 

Chỉ cần khắc phục được các bài toán trên, Masan có niềm tin, sản phẩm thịt sạch, đảm bảo dinh dưỡng sẽ dần được người tiêu dùng lựa chọn. Thị trường thịt heo tại Việt Nam ước tính có giá trị khoảng 10,2 tỉ USD. Masan đặt mục tiêu chiếm lĩnh được 10% thị trường này. Đến năm 2022, Masan kỳ vọng, thịt có thể đóng góp 50-70% doanh thu MEALDeli Việt Nam. 

Ông José  Ramón Godoy, Trưởng ban Quốc tế của Tổ chức Liên hiệp Nông nghiệp Thực phẩm của ngành Công nghiệp Thịt bò Tây Ban Nha (Provacuno), nhận định, với dân số Việt Nam gần 100 triệu người, trẻ, sức mua tăng thì nhu cầu thịt sẽ tăng. Ở phương diện nguồn cung, cơ hội cho doanh nghiệp thịt heo cũng rộng mở. Bởi vì, cả thị trường chỉ có khoảng 15 doanh nghiệp nhảy vào chăn nuôi. 

Do đó, thị trường thịt heo vẫn đang trong tay các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở gia đình, nơi thôn xóm, trang trại, hợp tác xã... Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trước khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, Việt Nam đã là quốc gia bị thiếu hụt nguồn cung thịt. Với tốc độ tái đàn chậm, giá thịt heo còn đắt đỏ, thịt heo từ Thái Lan, Úc, Ấn Độ, Đức, Mỹ… đã nhập vào Việt Nam. 

Một số công ty như BRG Retail, La Mai Sơn, Hữu Nghị... cũng tham gia phân phối thịt nhập nước ngoài. BRG đã trực tiếp nhập khẩu thịt heo chất lượng cao từ IBP Trusted Excellence, thuộc Tyson Foods (Mỹ), nhà sản xuất và xuất khẩu thịt lớn thứ 2 thế giới và tổ chức “Tuần lễ thịt heo Mỹ” tại 50 siêu thị, Minimart thuộc hệ thống ở phía Bắc. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Agrotrade), Việt Nam đã chi cả tỉ USD để nhập thịt nước ngoài. 

Trong bức tranh ấy, ngành thịt trở nên thu hút và doanh nghiệp Việt có lý do để dồn lực đầu tư cho cuộc chơi đòi hỏi tiêu chuẩn cao này.