"Thiếu quy định để nhà đầu tư ngoại tham gia thị trường nợ"
Tăng trưởng tín dụng năm 2013 có một chút tiến bộ, dù thấp nhưng 5 tháng đầu năm tăng 2,9%, trong khi cùng kỳ năm 2012 tăng trưởng âm. TTTD năm 2013 có thể đạt mục tiêu 12% vì cuối năm thường tăng mạnh hơn.
Tất nhiên, 12% cũng là mức tăng trưởng thấp so với một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam. Lý do là tình trạng nợ xấu, đóng băng bất động sản cộng với những tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới làm cho tổng cầu của nền kinh tế rất yếu và khi tổng cầu yếu, cả tiêu dùng lẫn đầu tư đều sụt giảm.
Có thể nhìn thấy rất rõ, tỷ lệ đầu tư trên GDP của Việt Nam giảm mạnh và liên tục, từ 41% của năm 2009 - 2010, bây giờ xuống còn xấp xỉ 33%.
Nếu chỉ đơn thuần dựa vào giải pháp giảm lãi suất thì không ổn, chừng nào nợ xấu, băng thị trường bất động sản không được xử lý. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang nỗ lực giải quyết bằng việc thành lập Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) tập trung để xử lý nợ xấu, hỗ trợ thị trường bất động sản với gói 30.000 tỷ đồng.
Tới đây, NHNN cũng sẽ xử lý dứt khoát các ngân hàng yếu kém và đưa chuẩn quốc tế về kế toán cũng như về chỉ tiêu an toàn của hệ thống ngân hàng vào thực hiện. Tất cả những giải pháp ấy có thể tạo ra động lực thúc đẩy tổng cầu tăng trở lại. Nhưng tôi nghĩ, nhanh cũng phải mất vài năm.
Mỹ đã phải mất 5 năm mới xử lý được đóng băng tín dụng. Việt Nam có thể nhanh hơn, bởi nền kinh tế nhỏ và linh hoạt hơn, nhưng cũng phải có thời gian.
Theo ông, có cách nào để diễn biến đó xảy ra sớm hơn không?
Chính phủ đã có Nghị quyết 11, 01, 02 và thành lập VAMC, vấn đề quan trọng bây giờ là tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, khi tổ chức thực hiện, cũng có những vấn đề cản trở.
Ví dụ, VAMC đối với Việt Nam là hình thức hoàn toàn mới, trong bối cảnh hàng loạt các quy định mang tính pháp lý có liên quan đến việc mua bán nợ đang còn thiếu. Do đó, VAMC phải có quyền lực đặc biệt, phải có cơ chế hoạt động tương đối thoáng, nhanh.
Cái thiếu nhất hiện nay là sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường mua bán nợ. Nội lực đang rất yếu, nếu không có ngoại lực thì cầu không tăng lên được.
Khi mà cầu yếu sẽ bán toàn bộ nợ xấu đấy cũng như toàn bộ tài sản thế chấp với giá rẻ mạt, hoặc phải kéo dài thời gian bán ra để chờ giá bất động sản phục hồi, thậm chí, nếu bán sớm, bán nhanh có khi còn làm sụp đổ thị trường bất động sản, mà như vậy thì hỏng hết.
Hiện, Việt Nam vẫn đang thiếu các quy định về tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường nợ, mua bán, sáp nhập, chứng khoán hóa nợ... Nhưng cho đến giờ phút này, chưa thấy có động thái nào của các cơ quan chức năng giải tỏa những chuyện đó.
Có vẻ như chúng ta đang sợ sự thâu tóm từ các nhà đầu tư nước ngoài?
Cũng có những tâm lý như vậy, nhất là những người đang nắm giữ các tài sản gắn liền với nợ xấu, hay còn gọi là tài sản độc hại. Nhưng cũng phải quan niệm, nỗi lo sợ ấy là tự nhiên, nhưng anh muốn "sống" thì phải "hy sinh".
Việc bán những tài sản đấy cho một chủ khác để người ta nhanh chóng phục hồi lại tài sản đó, phục hồi lại sản xuất, công ăn việc làm, thậm chí đưa công ty đó trở thành một đơn vị có đẳng cấp, thì xét về mặt xã hội, đấy là một tiến bộ, một nhu cầu thực tế. Chúng ta đã chứng kiến Hàn Quốc bán Hyundai Motor và Kia Motors Corp cho Mỹ.
Mỹ đã nhanh chóng phục áp dụng công nghệ mới, quản trị mới, dẹp bỏ những cái không cần thiết, đưa các tập đoàn này lên một đẳng cấp khác hẳn. Khi kinh tế phục hồi, Hàn Quốc đã mua lại các tập đoàn này từ Mỹ và bây giờ, họ có những tập đoàn mang đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh rất lớn.
Nguồn Doanh nhân Sài Gòn