Thiếu nhân lực "thông ngôn"
Tại buổi tọa đàm chuyên đề cho Saigon Times Group kết hợp với Đại học RMIT, các diễn giả đều cho rằng nguồn nhân lực thông dịch viên chất lượng khó như đãi cát tìm vàng. Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết một thông dịch viên giỏi cần từ 5-10 năm trau dồi kinh nghiệm. Thống kê của Manpower Group cho biết chỉ riêng TPCHM năm 2016 đã có nhu cầu trên 1200 đầu việc thông dịch viên, nhất là trong nhóm ngành sản xuất, thương mại, du lịch, nhà hàng khách sạn…
Bà Võ Thị Bích Thủy, Trưởng phòng Tuyển dụng và Tư vấn nhân sự Manpower cho biết công ty từng nhận được một yêu cầu tuyển dụng 100 thông dịch viên từ Samsung. Sau vài tháng, công ty phải hạ những tiêu chí tuyển dụng như có bằng cấp, ngoại hình, tố chất làm việc độc lập…, mở rộng tìm kiếm sang những người từng xuất khẩu lao động, nhưng sau nửa năm “lục tung” thị trường chỉ mới đáp ứng được nửa nhu cầu.
Thông dịch viên gồm nhiều hình thức: Dịch song song, dịch tiếp nối… |
Ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc công ty Innotech chuyên sản xuất phần mềm cho đối tác Nhật cũng cho biết gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng thông dịch viên giỏi. 3 nhóm việc công ty luôn có nhu cầu cao là kỹ sư cầu nối, phiên dịch tiếng Nhật và Giám đốc bán hàng biết tiếng Nhật, nhưng tỉ lệ ứng viên đạt yêu cầu chỉ khoảng 5-10%.
Việc khát nhân lực thông dịch viên có nhiều nguyên nhân. Trong đó nổi bật là chỉ tiêu đào tạo ngoại ngữ của các trường đại học tại TPHCM còn quá ít, chưa đa dạng, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Mặt khác, theo bà Bích Thủy, Manpower thì sinh viên ngoại ngữ sau tốt nghiệp thường chỉ xem thông dịch viên là bước đệm trước khi rẽ sang những ngành nghề khác. Bên cạnh đó, giỏi ngoại ngữ chỉ là điều kiện cần, một thông dịch viên thực thụ còn cần phải tinh thông ngôn ngữ mẹ, giỏi kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống