Ngành phân bón sẽ hưởng lợi trong bối cảnh thiếu khí ở châu Âu. Ảnh: TL.
Thiếu khí ở châu Âu, ngành nào được hưởng lợi nhiều nhất?
Trước đó, Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI Research đã từng đề cập về giá khí đốt tự nhiên tăng ở châu Âu và giá than ở Trung Quốc đã thúc đẩy giá urê tăng vào cuối năm 2021, trong khi những động lực đó có thể sẽ không được duy trì trong năm 2022. Trên thực tế, giá urê giảm từ mức đỉnh 970 USD/tấn trong tháng 12/2021 xuống còn 580 USD/tấn trong tháng 2/2022, tức là giảm 40% so với mức đỉnh.
Trong báo cáo được cập nhật hồi đầu tháng 3/2022, SSI Research cho rằng căng thẳng Nga -Ukraine có thể kéo dài tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên ở châu Âu trong thời gian dài hơn. Điều này sẽ tạo cơ hội đầu tư ngắn hạn cho các cổ phiếu phân bón của Việt Nam vốn có thể hưởng lợi từ giá bán urê cao hơn trong bối cảnh thiếu khí ở châu Âu.
Các cổ phiếu trong ngành phân bón tăng trần phiên 7/3. Ảnh chụp màn hình BanggiaSSI. |
Theo hãng tin RT (Nga, đường ống Yamal-Europe đã tạm dừng tất cả các nguồn cung cấp gas sang hướng Tây, điều đó có nghĩa là dòng chảy từ Nga sang Đức đã bị đình chỉ vô thời hạn. Theo hãng tin này, Moscow đang đáp ứng gần 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu thông qua đường ống này và việc ngừng cung cấp có thể khiến giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt.
Theo SSI Research, châu Âu phụ thuộc vào Nga về khí đốt tự nhiên trong thập kỷ qua (Nga chiếm 38% kim ngạch nhập khẩu khí đốt tự nhiên - số liệu của Eurostat). Với sự thiếu hụt khí tự nhiên dự kiến, các nhà sản xuất urê ở châu Âu có thể hạn chế sản xuất và đẩy giá lên cao hơn.
Đồng thời, Trung Quốc (nước sản xuất urê lớn nhất thế giới) vẫn đang thiếu than. Trong khi châu Âu đang cắt giảm sản lượng urê, Trung Quốc có thể không tăng sản lượng đáng kể do mục tiêu môi trường trong dài hạn và tình trạng thiếu than hiện nay.
Theo Ngân hàng Thế giới, việc ngừng xuất khẩu của Trung Quốc dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 22/6/2022 để đảm bảo cung cấp đủ cho tiêu dùng trong nước, trong khi hạn ngạch xuất khẩu của Nga có thể kéo dài đến tháng 5/2022. Trung Quốc và Nga chiếm lần lượt 11% và 16% lượng xuất khẩu urê toàn cầu trong năm 2019.
Do nguồn cung urê ở châu Âu dự kiến sẽ thiếu hụt, nguồn cung urê ở Trung Quốc tăng hạn chế và các hạn chế xuất khẩu đang diễn ra, SSI Research giả định giá urê sẽ giảm với tốc độ chậm hơn từ với mức đỉnh vào tháng 12/2021.
Theo SSI Research, trong 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ (DPM) và Đạm Cà Mau (DCM) ước có thể đạt tăng trưởng ấn tượng nhờ mức giá urê thấp trong 6 tháng đầu năm 2021 và giá xuất khẩu cao trong tháng 1/2022 (giá xuất khẩu được chốt ở mức cao trong tháng 12). Trong khi đó, lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm 2022 có thể giảm so với cùng kỳ, với giả định rằng tình trạng thiếu than ở Trung Quốc sẽ giảm bớt và nông dân không thể tiếp tục chịu giá phân bón cao.
Có thể bạn quan tâm