Quý Hòa

 
Mai Hân Thứ Ba | 08/05/2018 17:05

Thiết lập chuẩn bộ tiêu chí hàng Việt Nam chất lượng cao

Giúp doanh nghiệp ý thức rằng muốn vào sân chơi quốc tế thì phải học, hiểu và hành động trên bộ tiêu chí này.

Mới đây của Bộ NN&PTNT cho biết, lần đầu tiên sau nhiều năm, kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp đã vượt dầu thô. Bốn tháng qua, xuất khẩu rau quả đem về kim ngạch xuất khẩu 1,32 tỉ USD cho ngành nông nghiệp, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là một điều đáng mừng nhưng cũng còn nhiều việc phải làm. Bởi trên thực tế, thị trường xuất khẩu nông sản chính của Việt Nam là Trung Quốc, chiếm đến 77% thị phần… Còn EU, Nhật Bản, Mỹ, Bắc Mỹ là những thị trường lớn, giá trị xuất khẩu cao, họ đưa ra những luật lệ, quy định mới, chặt chẽ thì các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn khi vào những thị trường này…

Lâu nay, nhiều doanh nghiệp nhỏ Việt Nam về nông sản, thực phẩm, thường chỉ xuất nguyên liệu thô hay làm gia công là chính nên thường không bị “xét giấy” thông hành, căn cước. Trừ thủy sản là tiêu chuẩn rõ ràng, nhưng lại trong tay nhiều đại gia, doanh nghiệp nhỏ khó vào thị trường này. Ngoài ra, người nông dân và doanh nghiệp nhỏ cũng chưa hiểu hết về tiêu chuẩn.

Có thể nói, những yếu tố nền tảng mà doanh nghiệp Việt cần xây dựng để có thể thâm nhập thị trường và phát triển bền vững, đó là: phải đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng của sản phẩm, phải nâng cao thương hiệu và giá trị gia tăng từ nguyên liệu là tài nguyên bản địa cộng với tác động của công nghệ. Tuy nhiên, cũng phải lưu tâm đến vai trò của tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và công nghệ tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Ngày sáng ngày 10.5.2018, tại Hà Nội, sẽ diễn ra Hội thảo về: Cơ hội thị trường cho doanh nghiệp Việt giai đoạn hội nhập mới và kết nối thị trường. Hội thảo do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC), Trung tâm BSA phối hợp cùng các đơn vị tổ chức, với nhiều diễn giả trong nước và quốc tế, sẽ góp phần đưa đến những cái nhìn cụ thể, những “việc cần làm” để giúp doanh nghiệp Việt xây dựng chiến lược nhằm xuất khẩu sản phẩm lâu dài, ổn định.

Mới đây, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã được Bộ KH&CN trao giấy chứng nhận về quyền chủ sở hữu của danh hiệu “Hàng Việt Nam Chất lượng cao - Chuẩn hội nhập”. Và ngành thực phẩm được triển khai đầu tiên, vì yêu cầu an toàn cho thực phẩm đang là quan tâm số 1 của xã hội. 

Đến nay, Bộ tiêu chí HVNCLC – Chuẩn hội nhập đã đạt được sự thừa nhận lẫn nhau với Ban QLATTP TPHCM (tổ chức dạng như là FDA của Mỹ), với tổ chức tiêu chuẩn quốc tế GMP+ (về thức ăn chăn nuôi, điều kiện cơ bản cho thực phẩm thịt đạt hữu cơ) và đăng ký là thành viên của GLOBALGAP để thừa nhận lẫn nhau từng phần.

Việc Bộ tiêu chí được đăng tên thành viên trên website của GLOBALG.A.P là một ghi nhận mới có ý nghĩa. Dự án cũng có nhiều hoạt động phối hợp với 2 công ty đa quốc gia có uy tín về đánh giá chứng nhận là SGS và Bureau Veritas.

Nhìn lại Bộ tiêu chí HVNCLC – Chuẩn hội nhập sau hơn một năm thành lập, ông Nguyễn Quân – Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội đồng xây dựng Bộ tiêu chí HVNCLC – Chuẩn hội nhập cho rằng “Bộ tiêu chí này chắc chắn sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam khẳng định được chất lượng sản phẩm cũng như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của mình đối với thế giới. Nhờ ảnh hưởng của những sản phẩm đó ở các hội chợ mà thế giới đã biết đến Việt Nam và yên tâm với sản phẩm Việt Nam”.

Thiet lap chuan bo tieu chi hang Viet Nam chat luong cao
Ông Nguyễn Lâm Viên,Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Vinamit

Trong khi đó, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Vinamit cho rằng, Bộ tiêu chí hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập sẽ giúp cho doanh nghiệp ý thức rằng muốn vào sân chơi quốc tế thì phải học, hiểu và hành động trên bộ tiêu chí này. “Khi chúng ta đã có sự chuẩn bị rồi thì cuộc chơi của chúng ta ở bất kỳ một thị trường khó tính nào thì chúng ta cũng sẵn sàng”, ông chia sẻ.