Zing

 
Thứ Tư | 24/01/2018 16:06

Thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng khi "sập" sàn chứng khoán TP.HCM

Nếu mức phí giao dịch trung bình 0,2 - 0,3% các công ty chứng khoán đang thu của nhà đầu tư thì số phí thu được từ 18 - 30 tỉ đồng/phiên.

HoSE tiếp tục ngừng giao dịch trong ngày 24.1

Giá trị giao dịch bình quân trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) từ đầu năm đến nay lên 9.000 - 10.000 tỉ đồng/phiên. Nếu tính mức phí giao dịch trung bình 0,2 - 0,3% mà các công ty chứng khoán đang thu của nhà đầu tư thì số phí thu được dao động từ 18 - 30 tỉ đồng/phiên.

Đồng nghĩa với số tiền này mất đi khi thị trường ngưng giao dịch. Đó là chưa kể lượng vốn vay ký quỹ trên sàn chứng khoán theo thống kê cuối năm 2017 ước tính đạt 38.000 tỉ đồng và hằng ngày các nhà đầu tư đều phải trả lãi vay. Với mức lãi suất cho vay ký quỹ từ 0,03 - 0,04%/ngày thì số tiền lãi mà các nhà đầu tư phải trả cho công ty chứng khoán hay ngân hàng lên hơn 11 tỉ đồng. Như vậy nếu việc ngưng giao dịch bị kéo dài thì số thiệt hại càng tăng lên.

Như vậy, chỉ tính hai ngày qua và 1 phần trong phiên giao dịch chiều 22.1, thiệt hại lên tới khoảng 100 tỷ đồng.

Nhưng đó mới chỉ là mức phí và lãi vay, còn quan trọng nhất chính là biến động giá cổ phiếu trên sàn. Nếu khi HOSE hoạt động trở lại mà giá các cổ phiếu bị sụt giảm thì người đang sở hữu sẽ thua lỗ nặng nề. Còn trường hợp giá tăng thì người đang giữ tiền và không thực hiện được giao dịch trước đó sẽ bị thiệt hại.

Nói về những vấn đề xung quanh liên quan đến sự cố trên, chuyên gia tài chính, ông Đinh Thế Hiển cho rằng, thiệt hại của các nhà đầu tư ở đây khó có thể xác định rõ. Bởi, giao dịch chứng khoán chưa khớp lệnh thì hàng hóa và tài sản của người mua hay người bán đều còn nguyên. Khác với sự cố nếu ngừng sản xuất trong một thời gian thì có thể xác định được chi phí vận hành, tiêu tốn nguyên vật liệu...

Tuy nhiên, bản thân HoSE là đơn vị tổ chức sàn giao dịch có thu phí thì cũng cần thể hiện trách nhiệm với các nhà đầu tư. Không thể nói rằng đó là sự cố ngoài ý muốn là xong và để nhà đầu tư phải gánh chịu các rủi ro đó.

Trước đó, trong phiên chiều 22/1, khi thị trường chuẩn bị bước vào phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC) thì hệ thống giao dịch của HoSE gặp sự cố. Các lệnh mua bán được gửi đi nhưng không có dữ liệu gửi về hiển thị trạng thái lệnh.

Tình trạng này diễn ra cho đến hết giờ giao dịch ngày 22/1 và thị trường chứng khoán đã không thể đóng cửa phiên như bình thường. Đến nay, dữ liệu kết quả giao dịch vẫn chưa được trả về cho các công ty chứng khoán. Sự cố này khiến HoSE phải tạm dừng giao dịch từ ngày 23/1 đến nay.

Ngoài các thông tin tạm dừng giao dịch để khắc phục sự cố, HoSE cũng cảnh báo nhà đầu tư trên thị trường xuất hiện thông tin giả mạo về việc “bù” giờ cho sự cố tạm ngừng giao dịch và thời gian giao dịch tiếp theo.