Chủ Nhật | 21/07/2013 14:56

Thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng từ những kẽ hở của ngân hàng

Theo công bố của Thanh tra Chính phủ, trong lĩnh vực ngân hàng đã xảy ra hàng loạt các sai phạm.
Nâng khống giá trị tài sản lên hơn 1 nghìn lần

Theo ông Nguyễn Thế Bình, Vụ trưởng Vụ I, Ban Nội chính Trung ương, qua 30 vụ việc, vụ án liên quan đến hoạt động tại 15 NH trong thời gian qua, Cơ quan điều tra đã khởi tố 117 bị can, trong đó có 81 bị can là cán bộ NH (chiếm tỷ lệ 69,2%), số còn lại là đối tượng ngoài ngành NH đã thông đồng cùng các cán bộ trong các NH phạm tội; tổng số tiền thiệt hại (ước tính ban đầu, do nhiều vụ án đang trong giai đoạn điều tra) là 11.565 tỷ đồng; 8 nghìn USD và 3.370 lượng vàng.

Có một số vụ đáng chú ý như vụ án xảy ra tại Công ty Cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp, do Vũ Quốc Hảo - nguyên Tổng Giám đốc, đã thông đồng với các đối tượng ở các công ty "người thân", nâng khống giá trị thiết bị lặn của Công ty Cát Long Hải, từ 100 triệu đồng lên 130 tỷ đồng (gấp hơn 1 nghìn lần), sau đó mua lại và chuyển cho doanh nghiệp này thuê để rút ra số tiền 130 tỷ đồng sử dụng vào mục đích cá nhân. Số tiền thiệt hại trong vụ án lên đến 4.689 tỷ đồng.

Hay như vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhận hối lộ, cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng" xảy ra tại huyện Hóc Môn, TPHCM, gây thiệt hại cho NH Nông nghiệp Chi nhánh Chợ Lớn 3 nghìn lượng vàng và 18 tỷ đồng.

Một vụ "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" khác tại NH Công thương chi nhánh Nhà Bè (TPHCM) với sự thông đồng, câu kết của 19 doanh nghiệp, 82 cá nhân và 2 cán bộ NH chiếm đoạt 3.800 tỷ đồng…

Trong tổng số thiệt hại nêu trên, số tiền vi phạm thu hồi được chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Nhiều trường hợp, người đứng đầu đơn vị NH sợ liên quan trách nhiệm, sợ giảm uy tín, nên e ngại khi phát hiện, tố giác vi phạm, tội phạm trong nội bộ cũng như công khai thông tin vi phạm tại đơn vị, tổ chức của mình, nên nhiều nghi phạm trong nội bộ bị bưng bít hoặc xử lý nội bộ, không chuyển đến cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Đấy là chưa kể, việc phối hợp trao đổi thông tin, tài liệu giữa một số đơn vị NH với cơ quan chức năng chưa kịp thời, kém hiệu quả, dẫn đến việc xử lý vi phạm, tội phạm, tham nhũng trong ngành NH chưa đáp ứng được yêu cầu giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.

Thanh tra Agribank: 3 nội dung đều có vi phạm

Trong các hoạt động thanh tra của Thanh tra Chính phủ, việc thanh tra về Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) là vấn đề được quan tâm đặc biệt. Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh, Agribank là một tổ chức tín dụng lớn hàng đầu, là NH thương mại nhưng gắn trực tiếp với "tam nông", nên ý nghĩa chính trị - xã hội trong hoạt động của Agribank là rất rõ.

Chính vì vậy, Thanh tra Chính phủ thực hiện việc thanh tra đối với Agribank tập trung ở 3 nhóm nội dung chính: Nhóm thứ 1 là thanh tra về hoạt động tín dụng; Nhóm thứ 2 là thanh tra về nội dung đầu tư tài chính; Nhóm thứ 3 là thanh tra về đầu tư xây dựng cơ bản.

Qua kết quả thanh tra, cả 3 nhóm nội dung này đều có những phát hiện sai phạm, vi phạm, khuyết điểm và tồn tại. Trong quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với cơ quan tố tụng để chuyển sang điều tra một số vụ việc, ví dụ như vụ án NH Agribank chi nhánh Nam Hà Nội cho Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam vay hơn 3 nghìn tỷ đồng. Được biết, Thanh tra Chính phủ đang tiếp tục hoàn thiện kết luận thanh tra này.

Một vấn đề nữa cũng được dư luận đặc biệt quan tâm đó là quá trình thanh tra thị trường vàng. Quyết định thanh tra làm rõ trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước đối với việc quản lý thị trường vàng, Thanh tra Chính phủ đã công bố và đã tiến hành thanh tra trong gần 1 tháng.

"Đây là vấn đề không chỉ nhạy cảm mà rất khó, bởi liên quan đến rất nhiều vấn đề tri thức kinh tế vĩ mô, cũng như tri thức về điều hành. Hiện đã có kết quả bước đầu song chưa thể công bố. Hy vọng cuộc thanh tra này cũng sẽ cố gắng kết thúc đúng quy định của pháp luật và đáp ứng được các yêu cầu đặt ra", ông Khánh cho biết.

Trong năm 2012, Thanh tra, giám sát NH đã thực hiện tổng số 731 cuộc thanh tra, kiểm tra. Thanh tra giám sát toàn hệ thống đã có 6.763 kiến nghị, ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 104 tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, cá nhân, với tổng số tiền phạt là 5.063 triệu đồng.Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện kế hoạch thanh tra toàn diện các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng có biểu hiện kém an toàn, có dấu hiệu vi phạm pháp luật và các tổ chức tín dụng chưa được thanh tra trong 3 năm gần đây (trong 5 tháng đầu năm đã triển khai 11/25 cuộc thanh tra pháp nhân các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài).Đặc biệt, sẽ tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trần lãi suất huy động, quản lý ngoại hối và quản lý hoạt động kinh doanh vàng...

Nguồn CAND


Sự kiện