Thứ Hai | 13/01/2014 11:38

Thị trường xuất khẩu lao động 2014: Nhiều kỳ vọng

Sau nhiều nỗ lực, thị trường Hàn Quốc đã được nối lại, cùng với đó, cánh cửa tiếp nhận lao động có trình độ của Việt Nam đang dần hé mở.

Nhận định về bức tranh xuất khẩu lao động năm 2014, Cục trưởng Cục Quản lý lao động (Bộ LĐTBXH) Nguyễn Ngọc Quỳnh cho rằng, dù còn nhiều khó khăn nhưng thị trường lao động vẫn có nhiều mảng sáng.

Gần 16 nghìn lao động có cơ hội sang Hàn Quốc làm việc

Có thể nói những ngày đầu tháng 1 của năm 2014 là những ngày được kỳ vọng nhất đối với ngành xuất khẩu lao động (XKLĐ). Mặc dù bản ghi nhớ đặc biệt với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc chỉ có thời hạn 1 năm song việc ký kết này đã đem lại niềm vui cho gần 16 nghìn lao động. Theo bản ghi nhớ đặc biệt, có ba đối tượng được phía Hàn Quốc cho phép giới thiệu cho chủ sử dụng lao động Hàn Quốc là: Lao động đã đỗ các kỳ thi tiếng Hàn tháng 12/2011, tháng 5/2012 và tháng 8/2012; lao động huyện nghèo sang Hàn Quốc làm nông nghiệp đã đăng ký kiểm tra tiếng Hàn tháng 8/2012 và lao động về nước đúng hạn.

Năm 2014 xuất khẩu lao động hé mở nhiều tia sáng

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, vì thời gian tạm dừng đưa lao động đi Hàn Quốc đã khá lâu nên để hỗ trợ lao động ôn luyện lại tiếng Hàn, Bộ LĐTB&XH đang lên phương án giao cho Trung tâm Lao động Ngoài nước mở các lớp dạy bổ túc lại tiếng Hàn và các kiến thức cần thiết khác cho người lao động, học phí sẽ do người lao động tự chi trả. Riêng hơn 2.700 lao động thuộc huyện nghèo đã đăng ký thi tiếng Hàn để đi Hàn Quốc làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp thì sẽ được hỗ trợ để học lại tiếng Hàn theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ.

"Ngay sau khi ký kết bản ghi nhớ đặc biệt, Bộ đã gửi công văn hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đăng ký dự tuyển đi Hàn Quốc về các địa phương và người lao động. Hạn cuối cùng nhận hồ sơ là 17/1, toàn bộ hồ sơ của người lao động sẽ được hoàn tất trước Tết Nguyên đán để có thể sớm giới thiệu lao động cho chủ sử dụng Hàn Quốc” – Ông Quỳnh cho biết thêm.

Nhiều cơ hội

Nhận định chung về thị trường XKLĐ năm 2014, đại diện Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho biết; một số thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia… tiếp tục có nhu cầu cao trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.

Tại thị trường Đài Loan, Việt Nam đã trở thành một trong hai nước (cùng với Indonesia) chủ lực cung ứng lao động sang thị trường này với tổng số lao động hiện đang làm việc ở Đài Loan khoảng 106.020 người, trong đó, lao động ngành sản xuất công nghiệp và xây dựng là 84.901 người, tăng 11.103 người; lao động trong ngành dịch vụ là 21.119 người.

Đây cũng là thị trường cho thu nhập ở mức khá cao, trung bình từ 500 đến 700 USD/tháng. Nhằm mở rộng số lượng đồng thời đưa ra những giải pháp xử lý kịp thời những phát sinh, hạn chế thấp nhất tỷ lệ lao động bỏ trốn mới đây, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa đã có cuộc họp với khoảng 10 DN tốp đầu đưa lao động sang Đài Loan. Theo dự báo của ngành chức năng, thị trường này vẫn là chủ lực trong năm 2014.

Bên cạnh đó, cánh cửa tiếp nhận lao động có trình độ của Việt Nam đang dần hé mở. Những chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên, hộ lý sang Đức và Nhật Bản làm việc đang được triển khai khá thuận lợi. Mặc dù số lượng lao động trong lĩnh vực này chưa nhiều, nhưng đã tạo đà để mở rộng thị trường XKLĐ nghề có trình độ cao, thu nhập khá tại các nước phát triển.

Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước nhận định: Trong năm 2014, chúng ta có khá nhiều thuận lợi. Khu vực Trung Đông có dấu hiệu phục hồi trở lại, mặc dù năm 2013 chưa tăng mạnh số lượng lao động Việt Nam, nhưng đã có dấu hiệu khả quan hơn đối với lao động xây dựng và dịch vụ sang UAE, Qatar… Các nước phát triển ở châu Âu bắt đầu quan tâm đến điều dưỡng viên Việt Nam. Đức đang tiếp tục triển khai Dự án này sau khi triển khai thí điểm năm 2013. Nhật Bản trong Hiệp định đối tác kinh tế đã triển khai hỗ trợ đào tạo tiếng Nhật cho điều dưỡng viên Việt Nam đến năm thứ 2 và còn tiếp tục. Cục Quản lý lao động ngoài nước đang xúc tiến ký kết Biên bản ghi nhớ về tuyển dụng lao động giữa hai nước. Đây sẽ là văn bản pháp lý cao nhất khẳng định cam kết của hai chính phủ về việc tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác lao động giữa hai nước.

Năm 2014 được dự báo sẽ có nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, số người thất nghiệp gia tăng, do đó XKLĐ giữ vai trò rất lớn trong ổn định kinh tế xã hội cũng như xóa đói giảm nghèo. Chính vì vậy, ngành LĐTB&XH cũng như các địa phương cần quản lý chặt lao động, đặc biệt quyết liệt đưa các chế tài vào xử phạt với những lao động bỏ trốn bất hợp pháp, những DN lợi dụng tăng chi phí môi giới…

Lê Bảo

Nguồn Vietstock


Sự kiện